M-TALKS 2025 do RX Tradex tổ chức là chuỗi diễn đàn thường niên mang tính chiến lược, nơi các xu hướng như: AI, bán dẫn, tự động hóa và hội nhập chuỗi cung ứng được phân tích dưới góc nhìn đa chiều từ doanh nghiệp, nhà nước, nhà trường và tổ chức quốc tế. Với chủ đề lần này song hành cùng NEPCON Vietnam, M-TALKS nhấn mạnh 03 vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam: 1. Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; 2. Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; 3. AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực. Sự kiện năm nay là điểm hẹn quan trọng cho ngành công nghiệp điện tử, nơi hội tụ các diễn giả đầu ngành trong nước và quốc tế để cùng thảo luận, chia sẻ các xu hướng công nghệ tiên tiến và chiến lược phát triển ngành sản xuất điện tử Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Hồng Quân - Giám đốc Thương mại RX Tradex Vietnam cho biết, M-TALKS là điểm khởi đầu cho chuỗi hội thảo - tọa đàm chuyên đề sẽ diễn ra xuyên suốt khuôn khổ NEPCON Vietnam 2025, góp phần kết nối kiến thức, chiến lược và giải pháp thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử, bán dẫn chiến lược của khu vực châu Á. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại và linh kiện.
Ông Trần Hồng Quân - Giám đốc Thương mại RX Tradex
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt hơn 134,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 60,8 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước giúp ngành tiếp tục giữ vững vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Samsung, Apple (Foxconn, Luxshare, GoerTek...), LG, Pegatron... tiếp tục mở rộng đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, Qualcomm đã đưa vào hoạt động trung tâm R&D; NVIDIA cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về xây dựng Trung tâm Dữ liệu và Trung tâm R&D AI.
Tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về cấu trúc và tính tự chủ công nghệ. Thực tế cho thấy, 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đến từ các doanh nghiệp FDI. Hơn 80% linh kiện điện thoại vẫn phải nhập khẩu, và hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 trong chuỗi sản xuất tại Việt Nam là doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia ở khâu lắp ráp, với năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) còn rất hạn chế.

Theo ông Trần Hồng Quân, nếu không cải thiện nhanh chóng năng lực công nghệ, năng suất và khả năng nội địa hóa, Việt Nam có thể tụt lại phía sau trong cuộc chơi công nghệ toàn cầu, nơi AI và tự động hóa đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất.
Một thách thức nữa mà Việt Nam sắp phải đối mặt chính đến từ chính sách thuế quan thương mại của Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) phân tích, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và ngành điện tử chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kim ngach xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị thu âm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 41,7 tỷ USD, tương đương gần 35% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, chính sách gia tăng thuế quan từ phía Hoa Kỳ có thể tạo ra tác động tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bà Hương cho biết: “Khi thuế nhập khẩu tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng theo do giá nguyên liệu đầu vào cao hơn. Lợi nhuận giảm, và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng rõ rệt”. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn cung thay thế cho các linh kiện đến từ Trung Quốc cũng làm gia tăng chi phí logistics. Doanh nghiệp phải thiết lập các tuyến đường vận chuyển mới, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí vận chuyển hơn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam
Để thích ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa thời gian còn lại trước khi mức thuế mới có hiệu lực, cụ thể là giai đoạn áp dụng thuế nhập khẩu 10% hiện tại kéo dài đến hết ngày 8/7/2025, để đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên hoàn tất giao hàng sớm với các đơn hàng đã ký kết cho thị trường Hoa Kỳ nhằm tránh rủi ro khi mức thuế có thể tăng cao sau thời điểm này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tăng cường đàm phán các hợp đồng ngắn hạn, tập trung ký kết thêm các đơn hàng trong 60 đến 90 ngày tới để tận dụng giai đoạn thuế thấp, đồng thời tìm kiếm các giải pháp vận chuyển tiết kiệm như hợp tác với các hãng tàu lớn hoặc sử dụng cảng trung chuyển có chi phí thấp nhằm giảm áp lực chi phí khi thuế quan thay đổi.
Song song với đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó tương ứng với từng mức thuế như 10%, 20%, 46% hoặc cao hơn, từ đó lập kế hoạch tài chính dự phòng, tính toán tác động chi phí, chuẩn bị nguồn vốn, tái cơ cấu chi phí sản xuất và đàm phán vay vốn ưu đãi để đảm bảo tính linh hoạt. Bên cạnh đó, việc giữ liên hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng là cần thiết để nắm bắt kịp thời thông tin chính sách và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, bà Hương cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với gần 70 nền kinh tế, đồng thời nghiên cứu và tiếp cận các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, kết hợp với đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu tại các thị trường mới. Một giải pháp mang tính chiến lược dài hạn khác là tái cơ cấu sản xuất theo hướng xanh và bền vững, với việc đầu tư vào công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các thị trường phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong trường hợp xuất hiện các rào cản phi thuế quan.
Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như linh kiện bán dẫn, thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc thiết bị y tế – những lĩnh vực nằm trong ưu tiên hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Song song với đó là việc tuân thủ nghiêm các quy định về xuất xứ hàng hóa, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và bảo đảm sản phẩm không vi phạm bản quyền hay bằng sáng chế, nhằm tránh rủi ro từ các biện pháp phi thuế quan ngày càng phổ biến. Mặc dù Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán về chính sách thuế quan với Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh rằng, dù kết quả ra sao, các doanh nghiệp Việt vẫn cần chủ động đẩy mạnh cải cách nội tại, trong đó trọng tâm là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vững chắc vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phiên thảo luận mở tại diễn đàn với sự dẫn dắt phiên thảo luận của bà Đỗ Thị Thúy Hương và các chuyên gia hàng đầu của ngành công nghiệp điện tử như ông David Bergman - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện tử Toàn cầu (IPC) - Giám đốc điều hành, WHMA; TS. Nguyễn Khánh Linh - Giám đốc Công nghệ, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Bộ Tài chính; PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, VNPT Technology; ông Tôn Minh Hiếu - Giám đốc Quốc gia, IPC Việt Nam và ông Phương Đăng Hồ - Đào Tạo Viên Trưởng, IPC Việt Nam. Các diễn giả đã chia sẻ các phân tích chuyên sâu và giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt khi tập trung vào những câu hỏi thiết thực: Làm sao để doanh nghiệp Việt vượt qua rào cản khi ứng dụng AI? Chính phủ cần làm gì để thu hút FDI chất lượng cao? Các trường đại học cần đổi mới ra sao để bắt kịp nhu cầu nhân lực công nghệ?
Phiên thảo luận mở tại diễn đàn mang đến cho doanh nghiệp Việt những thông tin cập nhật, những giải pháp, góc nhìn thực tiễn trong ngành điện tử từ các chuyên gia hàng đầu của ngành.
Các đại biểu nhất trí rằng chính sách hỗ trợ cần tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ trong nước, đào tạo nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy đầu tư R&D. Ông David Bergman - Phó Chủ tịch IPC nhấn mạnh: “Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, nếu chính sách và nguồn lực tập trung đúng hướng. Ứng dụng AI, tự động hóa, cùng với việc tích cực hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là động lực chính”.
Ngành điện tử không chỉ là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực mà còn là bệ phóng cho mục tiêu chuyển đổi số, nâng tầm công nghiệp Việt Nam. Những thách thức hiện tại – từ lệ thuộc nguyên liệu đến áp lực thuế quan – là hồi chuông cảnh tỉnh cho một chiến lược phát triển dài hạn.
Diễn đàn M-TALKS 2025 đã một lần nữa khẳng định: chuyển đổi số, tự chủ công nghệ và hội nhập thông minh chính là chìa khóa để ngành điện tử Việt Nam bứt phá, không chỉ giữ vững vị thế trên bản đồ xuất khẩu mà còn trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ cao của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.