Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cộng thêm những biến động như chính sách "Zero COVID" trước đây, Apple đã nhiều lần đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung sản phẩm chủ lực. Chưa kể, mức thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ hiện đã vọt lên tới 145%, đẩy chi phí sản xuất lên cao và đe dọa trực tiếp đến biên lợi nhuận của Apple.
Việc CEO Tim Cook nhiều lần trực tiếp vận động hành lang tại Washington, cùng các chiến dịch "giải cứu" sản phẩm trong giai đoạn cao điểm như tổ chức 5 chuyến bay trong vòng 3 ngày để vận chuyển iPhone ra khỏi Trung Quốc, cho thấy Apple buộc phải hành động để tự cứu mình trước rủi ro chính sách.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ nổi lên không chỉ nhờ chi phí nhân công thấp hơn mà còn nhờ chính sách thân thiện hơn với Mỹ. Thuế suất đối với hàng hóa Ấn Độ nhập vào Mỹ hiện chỉ 26%, thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Washington và New Delhi đang mở ra kỳ vọng về một hành lang thương mại ưu đãi cho Apple và các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, Apple liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác lắp ráp tại Ấn Độ như Tata Electronics và Foxconn. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2026, hơn 60 triệu chiếc iPhone bán tại Mỹ mỗi năm sẽ được sản xuất tại quốc gia Nam Á này — một mục tiêu đòi hỏi Apple phải tăng gấp đôi năng lực sản xuất hiện có tại Ấn Độ.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Apple chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đối với một dòng sản phẩm chiến lược như iPhone. Điều này báo hiệu sự kết thúc của một thời kỳ "Trung Quốc là công xưởng thế giới" trong chiến lược toàn cầu của Apple.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ. Ấn Độ cần phải chứng minh rằng họ có thể duy trì chất lượng sản xuất khắt khe, đáp ứng tốc độ đổi mới sản phẩm nhanh chóng của Apple và đảm bảo một chuỗi cung ứng linh hoạt — điều mà Trung Quốc từng làm rất tốt trong suốt hai thập kỷ qua.
Sự dịch chuyển của Apple không chỉ là phép thử cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới, mà còn là bài kiểm tra năng lực sản xuất thực sự của Ấn Độ trong tham vọng trở thành "công xưởng mới" toàn cầu.
Ở cấp độ sâu hơn, động thái này cũng thể hiện xu thế không thể đảo ngược của giới công nghệ Mỹ: tìm kiếm những bến đỗ an toàn hơn trong một thế giới ngày càng bất định về địa chính trị và thương mại.