 - Copy 12.jpg)
Tai nạn mới nhất liên quan đến chiplet của TSMC lọt vào dòng vi xử lý Huawei Ascend 910 đã làm dấy lên một thực tế đáng lo ngại: ngay cả tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới cũng không thể giám sát số phận cuối cùng của sản phẩm mình tạo ra.
Sự cố này không chỉ đẩy TSMC đứng trước nguy cơ bị Bộ Thương mại Mỹ phạt hơn một tỷ USD, mà còn phơi bày giới hạn cố hữu của mô hình sản xuất theo hợp đồng (foundry model) trong ngành công nghiệp chip hiện đại.
Theo quy trình tiêu chuẩn, TSMC chỉ tiếp nhận tập tin GDS (Graphic Data System) từ khách hàng – bản thiết kế chứa toàn bộ thông tin cần thiết để chế tạo chip, nhưng không hề biết chip đó sau này sẽ đi đâu, được tích hợp ra sao hay dùng trong mục đích gì. Khi chip rời khỏi nhà máy, quyền kiểm soát hoàn toàn thuộc về khách hàng hoặc các đối tác thương mại kế tiếp.
Điều này biến các hãng sản xuất như TSMC thành “người làm thuê cao cấp”, vừa thiếu công cụ, vừa thiếu quyền lực để truy vết sản phẩm. "Chúng tôi bị hạn chế thông tin và không thể ngăn chặn sản phẩm bị sử dụng sai mục đích", TSMC thừa nhận trong báo cáo tài chính mới nhất – một tuyên bố phản ánh sự bất lực mang tính hệ thống.
Vụ việc với Huawei càng làm nổi bật nguy cơ khi các công ty trung gian — như Sophgo trong trường hợp này — đóng vai trò "lớp ngụy trang" để các thực thể bị cấm tiếp cận công nghệ nhạy cảm. Ngay cả khi tuân thủ đúng hợp đồng, các hãng foundry vẫn có thể vô tình trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng lách lệnh cấm.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu mô hình "chỉ sản xuất, không giám sát" còn đủ an toàn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực chip AI – thứ được coi là "dầu mỏ" của kỷ nguyên công nghệ mới?
Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, không chỉ TSMC mà cả Samsung Foundry và các công ty bán dẫn khác buộc phải xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khách hàng, thậm chí cả đối tác trung gian. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, bởi nó đòi hỏi tái định nghĩa lại vai trò, quy trình và trách nhiệm pháp lý trong một ngành vốn quen với cách vận hành “ẩn danh” suốt nhiều thập kỷ.
Nếu không tìm được lời giải, các tập đoàn sản xuất chip có thể sẽ ngày càng đối mặt với rủi ro pháp lý, tài chính — và quan trọng hơn, là rơi vào thế bị động trong cuộc chiến kiểm soát công nghệ toàn cầu.