Xu hướng này đang diễn ra rõ nét và âm thầm định hình lại cách con người tương tác với công nghệ, đặc biệt trong mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Điều đáng chú ý hơn: thế giới số không còn đơn giản dừng lại ở chiến lược mobile-first (ưu tiên di động), mà đang tiến rất nhanh đến một tương lai mobile-only – nơi smartphone trở thành cánh cổng duy nhất để tương tác số.
Theo dữ liệu từ Rakuten Viber, sự thay đổi này không đến từ các công ty công nghệ, mà bắt nguồn từ chính người dùng. Họ muốn mọi thứ – từ mua sắm, thanh toán, chăm sóc khách hàng đến giải trí – phải gói gọn trong chiếc điện thoại cá nhân. Sự kỳ vọng này buộc các thương hiệu toàn cầu như Nike hay Starbucks phải tái cấu trúc hoàn toàn trải nghiệm khách hàng. Những tính năng như đo kích cỡ giày bằng camera AR (Nike Fit) hay đặt cà phê kèm ưu đãi và thanh toán chỉ qua app (Digital Flywheel của Starbucks) đã trở thành ví dụ điển hình cho xu hướng phần mềm “sinh ra chỉ để dùng trên di động”.
Đáng chú ý, một số thương hiệu quốc tế như Asos hay Domino's thậm chí còn loại bỏ hoàn toàn nền tảng web, chuyển sang mô hình tương tác độc quyền trên smartphone. Sự dịch chuyển này không chỉ là vấn đề giao diện, mà là sự tái định hình toàn bộ hành trình khách hàng.
Với hơn 100 triệu thuê bao smartphone và 3 tỷ lượt tải app mỗi năm, Việt Nam đang được nhìn nhận như “thị trường lý tưởng” cho chiến lược mobile-only. Người dùng Việt dành trung bình 3,5 giờ mỗi ngày cho các ứng dụng di động – một con số thể hiện rõ cường độ sống số đang diễn ra.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển toàn phần sang nền tảng di động cũng đặt ra không ít lo ngại.
Ở góc nhìn tích cực, xu hướng này mang lại trải nghiệm liền mạch, khả năng cá nhân hóa cao nhờ AI, kết nối giọng nói – video – văn bản trong một hệ sinh thái khép kín. Tuy vậy, sự phụ thuộc tuyệt đối vào nền tảng di động cũng tạo nên một “độc đạo công nghệ” – nơi người dùng chỉ có một con đường để truy cập dịch vụ, đồng nghĩa với việc dễ bị tổn thương hơn nếu có sự cố, từ lỗi ứng dụng đến mất quyền truy cập tài khoản.
Ngoài ra, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư đang trở thành mặt trận nóng. Khi tất cả tương tác đổ dồn về một thiết bị, smartphone trở thành "két sắt dữ liệu" khổng lồ. Và nếu chiếc két ấy bị mở khoá sai cách, hậu quả sẽ vượt ngoài kiểm soát. Những công nghệ bảo mật như Data Masking, Zero-Knowledge Proof (ZKP) đang là nỗ lực kỹ thuật nhằm lấy lại sự tin tưởng. Nhưng bản chất của vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ – mà còn ở đạo đức số, tính minh bạch và quyền kiểm soát thông tin người dùng.
Thực tế, mobile-only là một xu hướng không thể đảo ngược trong giai đoạn “sống số” của nhân loại. Nhưng thay vì chỉ chăm chăm loại bỏ các nền tảng khác, doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là sự mở rộng, không phải thay thế. Điều cần ưu tiên không phải là di động hóa mọi thứ, mà là đảm bảo người dùng có trải nghiệm nhất quán, bảo mật và linh hoạt – dù họ chọn smartphone, máy tính bảng hay trình duyệt web.
Chạy theo xu hướng mobile-only không sai. Nhưng chạy mù quáng và bỏ lại sau lưng tính đa dạng của hành vi người dùng mới là điều cần cẩn trọng. Di động là tương lai – nhưng đó phải là một tương lai đặt con người làm trung tâm, chứ không phải nền tảng.