Sự kiện phương tiện bay đeo người đầu tiên của Trung Quốc cất cánh hôm 27/4 tại Hàng Châu không chỉ là một màn trình diễn công nghệ, mà còn là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang định hình lại cuộc chơi trong ngành hàng không đô thị toàn cầu – nơi từng bị xem là "đất diễn" riêng của các startup phương Tây.
Được phát triển bởi Viện nghiên cứu Zhiyuan, thiết bị bay cá nhân chạy điện này là một dạng eVTOL (phương tiện cất – hạ cánh thẳng đứng bằng điện) nhưng ở cấp độ “cá nhân hóa tối đa”: đeo trực tiếp lên người, điều khiển dễ dàng, và tích hợp các hệ thống hỗ trợ từ mặt đất. Việc tích hợp dù hạ cánh khẩn cấp, khả năng bay ổn định và hoạt động rảnh tay ở chế độ tự động cho thấy đây không còn là thiết bị thử nghiệm mà đã tiệm cận tiêu chuẩn triển khai thực địa.
Điểm đáng chú ý là thiết kế ba cánh quạt bố trí hai bên và sau lưng không chỉ nâng cao hiệu quả khí động học, mà còn phản ánh cách các nhà phát triển Trung Quốc đang tối ưu giữa hiệu suất, an toàn và độ ồn – ba thách thức lớn nhất của eVTOL trên toàn cầu.
Từ công nghệ đến chiến lược thị trường: “eVTOL cá nhân” là nước cờ dài hơi
Việc Trung Quốc liên tục công bố các sản phẩm eVTOL như drone hydro Tianmushan No.1 hay phương tiện bay cá nhân Zhiyuan cho thấy rõ một chiến lược: mở rộng mạng lưới ứng dụng bay thấp không người lái từ phục vụ nông nghiệp, logistics sang cứu hộ khẩn cấp, kiểm tra hạ tầng, thậm chí là dịch vụ dân sự và giải trí đô thị.
Theo ông Luo Jun – Giám đốc điều hành Liên minh kinh tế tầm thấp Trung Quốc, quy mô thị trường eVTOL và drone tại nước này có thể vượt mốc 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) vào năm 2030. Đó không phải dự đoán viển vông, nếu nhìn vào cách Trung Quốc đang dốc lực đầu tư – từ hợp tác với đại học, phòng thí nghiệm đến thử nghiệm bay thực tế quy mô lớn.
Tham vọng ấy không nằm ngoài bối cảnh chiến lược lớn hơn: xây dựng “nền kinh tế tầng thấp” (low-altitude economy) – mô hình kinh tế mới tập trung khai thác không phận dưới 1.000 mét, vốn được đánh giá là “miền đất hứa” cho các dịch vụ công nghệ cao.
Công nghệ eVTOL đang trong giai đoạn đầu, nhưng cuộc cạnh tranh thì đã nóng lên từ lâu. Mỹ có Joby Aviation, Archer; châu Âu có Volocopter, Lilium; Nhật có SkyDrive. Trung Quốc đi sau, nhưng đi nhanh, đi quy mô, và nhất là có hệ sinh thái tích hợp từ sản xuất, logistics đến thị trường tiêu dùng khổng lồ trong nước.
Cuộc cất cánh ngày 27/4 không phải đích đến, mà là bước đầu trong một chặng đua dài mà ở đó, yếu tố công nghệ chỉ là một phần – còn lại là chính sách hỗ trợ, quy chuẩn pháp lý và khả năng thương mại hóa toàn diện.
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mô hình “thành phố bay” trong vài thập kỷ tới, Trung Quốc rõ ràng không muốn chỉ là người theo sau.