Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam đạt điểm cao nhất sau đợt dịch bùng phát đại dịch COVID-19 thứ tư, với tâm lý tích cực đạt 61 điểm, tăng 42 điểm kể từ quý 3-2021 sau khi kết thúc giãn cách xã hội và các hoạt động kinh doanh, thương mại được nối lại.
Tuy vẫn thấp hơn so với mức cao đỉnh điểm ghi nhận trước đại dịch COVID-19, chỉ số này phản ánh rõ ràng rằng niềm tin đang phục hồi trên thị trường.
Ngoài ra, có tới 58% các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát dự đoán kinh tế của Việt Nam ổn định và sẽ tăng trưởng trong quý 1/2022. Chỉ 17% số ý kiến nhận định về nguy cơ suy thoái.
Các công ty châu Âu cũng tự tin hơn về triển vọng phát triển của họ tại Việt Nam trong điều kiện "bình thường mới". Có tới 43% số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trong quý 1/2022 so với chỉ 17% ghi nhận trong quý trước đó.
Tương tự, 38,5% số doanh nghiệp dự định tăng số lượng nhân viên, trong khi 51,5% số ý kiến dự báo đơn đặt hàng và doanh thu cũng sẽ tăng.
Gần 90% số công ty thành viên EuroCham báo cáo rằng các hạn chế trước đây đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của họ. Vì vậy, quy định mới này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hơn nữa niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp.
EuroCham cũng khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường xúc tiến việc tái mở cửa, ít nhất là tại những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cao.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tín hiệu đáng mừng là các dự án đầu tư vào Việt nam đang hướng đến giá trị gia tăng cao.
"Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Và hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực về công nghiệp chế biến, chế tạo và trong các tỷ lệ ngành nghề nhà đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, ngành chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao và sẽ ngày càng cao. Đồng thời, chúng ta đang hướng tới ngành có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa cao và đưa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, là những dòng đầu tư vào Việt Nam".
Hiện nay, các doanh nghiệp châu Âu đang có kế hoạch tăng nguồn nhân lực, kế hoạch đầu tư và doanh thu, vì dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Mặc dù vậy, thách thức đặt ra hiện nay là làm sao tận dụng được tâm lý tích cực này và đảm bảo doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và ngành nghề có thể hoạt động hết khả năng của mình, để doanh nghiệp châu Âu có thể đóng góp tích cực nhất vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.