Hội nghị có sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại diện cấp cao nhất của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng đại diện của các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Lãnh đạo các sở Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh cùng đại diện của nhiều cơ quan bô, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng cũng có mặt đông đủ. Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
Trong báo cáo chính của lãnh đạo Bộ Công Thương về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn nhìn nhận bốn hạn chế của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đó là, hạn chế về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT); Hạn chế về quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ; Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập. Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm (đến tháng 11 năm 2015 Chính phủ mới ban hành Nghị định 111/2015 NĐ-CP và tháng 1 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68 QĐ-TTg). Bộ trưởng cũng nghiêm túc chỉ ra những hạn chế về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể là các chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách về đất đai và môi trường, mức độ ưu đãi Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, chưa hình thành các đầu mối hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ sản xuất trực tiếp cho doanh nghiệp CNHT; Chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
Hội nghị cũng đã được nghe tham luận của đại diện các đơn vị tiêu biểu tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như đại diện của Thaco tham gia ý kiến ở góc độ đơn vị sản xuất ô tô, đại diện của Samsung tham luận ở góc độ CNHT ngành điện tử, đại diện của Hiệp hội Da giày và ngành Dệt may. Tham luận tại Hội nghị, đại diện của Samsung nhấn mạnh việc phát triển CNHT trong ngành điện tử ở Việt Nam là đòn bẩy để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành điện tử. Samsung cũng cam kết phát triển đồng thịnh vượng với Việt nam và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để tìm kiếm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp cung ứng nội địa, kết nối các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ. Từ 4 doanh nghiệp năm 2014, hiện đã có 35 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và dự kiến sẽ có 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Đặc biệt trong phát biểu của đại diện nhóm Ngân hàng Thế giới về kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng đã đưa ra lộ trình đề xuất cho chương trình phát triển CNHT và tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đề xuất chương trình CNHT cần tập trung vào 3 nội dung chính gồm:
1. Môi trường thể chế và quản trị cho chính sách CNHT;
2. Thiết lập một Chường trình phát triển Nhà cung cấp (SPD) để thúc đẩy CNHT trong những lĩnh vực ưu tiên.
3. Xác định những hạn chế trong môi trường kinh doanh để tăng cường đổi mới sáng tạo.
Trong phần kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đâu tư, để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất công nghiệp, CNHT của Thế giới, của khu vực Châu Á, không chỉ ở lĩnh vực ô tô, xe máy mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam có sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, có trên 1000 doanh nghiệp đủ khả năng cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia. Trong phát triển ngành CNHT, cần có tính liên kết cao.
“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” Đó là thông điệp Thủ tướng muốn gửi tới các doanh nghiệp và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành CNHT.