Để giải quyết những khó khăn và vấn đề hiện tại trong phát triển điện khí theo quy hoạch điện VIII, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam đã tổ chức "Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức" tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 01. Đề xuất kiến nghị để ban hành chính sách, pháp luật phù hợp và thực thi hiệu quả sớm, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện cam kết quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch TS. Mai Duy Thiện cho biết trong Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023, chúng ta đã đề ra kế hoạch phát triển điện lực quốc gia, tập trung vào sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, giảm tỷ lệ nhiệt điện than, và ưu tiên phát triển điện khí. Tuy nhiên, việc này đang đối mặt với khó khăn như thiếu nguồn vốn, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, và thiếu quy hoạch cụ thể.
Các chuyên gia tại Hội thảo cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch là quan trọng. Việc phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam mang lại cơ hội nhưng cũng đối mặt với thách thức. Thị trường tiêu thụ điện tăng chậm, và còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như khung pháp lý, giá điện, và quy hoạch cụ thể.
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cũng đều nhấn mạnh rào cản về cơ chế, giá cả, và cơ sở hạ tầng, và đều đưa ra đề xuất cần phải có các quy định và kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phát triển ngành điện khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam.
Trong thời kỳ biến đổi khí hậu, việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm phát thải ô nhiễm. Việc phát triển và sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam mang lại cơ hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Đình Ánh cho biết theo Quy hoạch điện VIII, điện khí LNG đạt 24,8% tổng công suất nguồn điện vào năm 2030, nhưng đang gặp rào cản về cơ sở hạ tầng, qui hoạch, vốn đầu tư, cơ chế thị trường mua bán, và giá.
“Từ đầu buổi hội thảo cho đến nay, đã có nhiều ý kiến được đưa ra, đặc biệt là ý kiến của anh Hải đại diện PV Gas về việc cần phải cam kết. Tôi tin rằng nếu chúng ta quyết định cam kết, điều đó sẽ xung đột với nguyên tắc thị trường và đồng thời vi phạm nhiều luật pháp hiện hành của chúng ta. Cũng có ý kiến cho rằng cần có một nghị quyết đặc biệt, tập trung vào vấn đề điện khí LNG. Tôi cho rằng cần phải thảo luận kỹ về ý tưởng này.
Khi triển khai dự án điện khí LNG, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, ví dụ như việc đặt các cơ sở điện khí LNG ở khu vực phía Nam, trong khi vận chuyển cho khu vực phía Bắc sẽ gặp khó khăn. Hiện chưa có ý kiến nào về việc này.
Một vấn đề quan trọng khác là việc thành lập Quỹ. Tôi cho rằng không thể giải quyết được biến động thị trường bằng cách tạo ra một mô hình quỹ mới. Tất cả các quỹ đã được thành lập đều không thành công, thậm chí có những quỹ gây thiệt hại mà chúng ta phải từ bỏ, nhưng nó tồn tại đó là quỹ ổn định giá xăng dầu. Tôi e rằng nếu thành lập quỹ cho điện khí LNG, sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả người thực hiện và nền kinh tế.
Về vốn, dự kiến sẽ có khoảng 500000 tỷ đồng được đầu tư. Tôi đã đọc và thấy rằng đó là số tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng họ luôn yêu cầu, cái này, cái kia. Họ yêu cầu cam kết và bảo lãnh. Nhưng tất cả những điều đó lại trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta đang mong muốn loại bỏ khỏi nền kinh tế. Bây giờ chúng ta lại phải đưa những điều đó trở lại! Liệu điều đó có đáng không? Chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng để nhìn rõ cái giá phải trả là bao nhiêu.
Chúng ta có định làm cho thị trường khí LNG trở thành độc quyền giống như xăng dầu hay không? Anh Hải, đại diện của PV Gas, đã đưa ra ý kiến rằng PV Gas và EVN sẽ là hai nhà cung cấp độc quyền. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét và bàn lại vấn đề này.
Tôi cho rằng cần phải xem xét và sửa đổi lại Quy hoạch điện VIII, mặc dù nó mới được triển khai. Quy hoạch của chúng ta thường gặp nhiều vấn đề nên cần có thêm các luận cứ và xem xét các phương án khác. Giải pháp của chúng ta phải dựa trên các quy định hiện hành và hướng tới việc phát triển, hướng tới đa thị trường. Chúng ta cũng cần lưu ý những bài học quý giá mà chúng ta đã học được trong khoảng 10-20 năm qua trong lĩnh vực năng lượng. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những giải pháp đảm bảo hệ thống để vượt qua những thách thức hiện tại”. Ông Vũ Đình Ánh phát biểu.
Mặc dù tiềm năng phát triển điện khí LNG ở Việt Nam là rất lớn, nhưng để hiện thực hóa tiềm năng này, cần phải có một chiến lược tổng thể, sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và các doanh nghiệp, cũng như sự tham gia tích cực của người dân. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể tận dụng được tối đa lợi ích mà điện khí LNG mang lại.