Như chúng ta đã biết, Huawei trong nửa năm vừa qua đã và đang gặp khó khăn rất nhiều trong mảng kinh doanh phần cứng nói chung và kinh doanh smartphone nói riêng bởi lệnh cấm vận từ Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt lên Huawei.
Việc bị đưa vào danh sách đen đã khiến công ty chi 11 tỉ USD cho các nhà cung cấp Mỹ vào năm 2018 không được phép mua linh kiện và phần mềm từ chuỗi cung ứng nước này. Đó cũng là lý do khiến Huawei không được cấp phép Google Play Services với các ứng dụng cốt lõi của Google như Play Store, Maps, Search, Gmail, YouTube…, với Mate 30 là nạn nhân đầu tiên.
Việc không được phép truy cập vào Google Play Services khiến mục tiêu xuất xưởng 300 triệu smartphone trong năm 2019 nhằm vượt Samsung và Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào cuối năm nay không thể thực hiện.
Nhưng mọi thứ có thể sớm thay đổi khi tại một cuộc họp tổ chức mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức Mỹ bật đèn xanh cho một số công ty nước này bắt đầu vận chuyển hàng hóa cho Huawei. Dĩ nhiên, Google hoàn toàn có thể nằm trong danh sách này.
Tờ New York Times cho biết, trong một cuộc hợp được tổ chức vào hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức "bật đèn xanh" cho một số công ty Mỹ cung ứng sản phẩm cho Huawei. Còn nhớ, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 6, Trump đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ mua "một số lượng lớn" các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, và đổi lại, "các công ty Mỹ có thể bán thiết bị của họ cho Huawei, miễn là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia". Điều này xác nhận rằng Huawei đang được Mỹ sử dụng như một "con bài chiến lược" để đạt được những điều khoản có lợi trong các thỏa thuận thương mại mới nào với Trung Quốc. Nhưng thực tế, Trung Quốc không mua bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào từ nông dân Mỹ, và chính quyền Trump cũng không cho phép Huawei sử dụng "thiết bị của Mỹ" như vị Tổng thống này gọi. Các giấy phép cần thiết để nối lại quan hệ với Huawei sẽ được Bộ Thương mại cấp phát, và một phát ngôn viên cho biết rằng "hiện trạng vẫn giữ nguyên cho đến lúc này".
Trước đó, bất chấp lệnh cấm, một số công ty Mỹ đã “lách luật” để giao hàng cho Huawei bằng cách dán nhãn lô hàng của họ là hàng hóa không phải của Mỹ hoặc vận chuyển hàng hóa của họ cho Huawei từ bên ngoài. Đơn cử như Micron Technology (Mỹ), với Huawei là khách hàng mua chip nhớ lớn nhất của họ trong năm 2018, cho biết vào tháng 6 rằng công ty đã tiếp tục giao hàng chip cho Huawei sau khi xem xét các quy tắc của danh sách đen và quyết định rằng họ có thể cung cấp hợp pháp các nguồn hàng cho công ty Trung Quốc.
Cách đây không lâu, chính quyền ông Trump cũng đã tìm cách kêu gọi các công ty Mỹ như Cisco và Oracle phát triển để trở thành đối thủ của Huawei, nhưng cả hai đều từ chối. Chính phủ Mỹ cũng đưa ra kế hoạch kêu gọi tài trợ cho Nokia và Ericsson để hai công ty thiết bị mạng có thể cung cấp các điều khoản tài chính thuận lợi hơn cho khách hàng của họ. Bởi Huawei có quyền tiếp cận các quỹ từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc, công ty này có thể cho phép khách hàng kéo dài thời gian hoàn tất thanh toán cho thiết bị mạng của mình. Chính quyền Mỹ hy vọng sẽ cho phép Nokia và Ericsson nhận được các điều khoản này để có thể đưa họ vượt qua Huawei.
Một khi lệnh cấm được nới lỏng phần nào, Huawei sẽ có thể xin được giấy phép cài đặt sẵn các dịch vụ Google lên smartphone của mình. Trước đó, công ty cũng cam kết sẽ phát hành một bản cập nhật bổ sung các dịch vụ của Google ngay sau khi có giấy phép sử dụng từ Google.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều cách thức để người dùng có thể cài đặt thủ công dịch vụ Google lên bộ đôi Huawei Mate 30 và Mate 30 Pro, tuy nhiên, những phương pháp này tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, có thể khiến người dùng gặp nguy hiểm với các tin tặc trên mạng. Do đó, việc Huawei nhanh chóng cập nhật dịch vụ Google cho người dùng Mate 30 là một điều cần thiết.