Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giống như một cuộc dượt đuổi không có hồi kết. Chẳng hạn, khi Mỹ tăng thuế lên 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc nhanh chóng đáp trả bằng áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ. Hiện tại, khi Mỹ cho Huawei vào danh sách đen, Trung Quốc vì sao lại chưa ban hành lệnh cấm Apple?
Giới quan sát đang lo ngại ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại leo thang sẽ lan rộng, sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen. Mục tiêu của họ là ngăn Huawei tiếp cận với công nghệ Mỹ. Việc này đang đe dọa mối quan hệ hợp tác của Huawei với các hãng chip, phần mềm và linh kiện Mỹ.
Giới phân tích tin lệnh cấm của Mỹ sẽ châm ngòi cho loạt biện pháp đáp trả của Trung Quốc nhằm bảo vệ Huawei, như kêu gọi người dân tẩy chay sản phẩm Mỹ, hoặc kiểm duyệt, gây khó khăn cho các công ty Mỹ. Apple được đánh giá là mục tiêu khả dĩ nhất cho đòn phản công của Trung Quốc, bởi sản phẩm của họ được bán trực tiếp tới người dân nước này.
Mất đi Trung Quốc, Apple sẽ mất luôn thị trường béo bở với những người trẻ tuổi yêu thích công nghệ cũng như chọn iPhone làm món đồ khẳng định bản thân (giống như rất nhiều thị trường châu Á khác, nhưng quy mô cao hơn nhiều vì dân số rất đông). Ở châu Á có hai thị trường smartphone rất lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, Apple không tài nào thâm nhập một cách hiệu quả vào thị trường Ấn Độ vì tại đây những smartphone giá rẻ chạy Android đang thống trị, vì thế họ chỉ còn cách tập trung tấn công thị trường Trung Quốc.
Hãng chứng khoán Goldman Sachs cho rằng nếu Trung Quốc cấm iPhone, Apple sẽ thua thiệt. Theo các chuyên gia của hãng, lệnh cấm như vậy có thể làm “bay” 29% doanh thu ròng năm 2019 của Apple nhưng động thái cấm iPhone cũng làm tổn hại đến kinh tế Trung Quốc. Sau tất cả, Apple trả khoản lớn cho các nhà thầu tại Trung Quốc để lắp ráp iPhone. Khi đó Apple buộc phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến nhiều lao động bị sa thải. Với một nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, đây là điều chính phủ Trung Quốc sẽ muốn tránh.
Nếu chính phủ Trung Quốc cấm Apple để trả đũa, Apple cũng sẽ chịu thiệt khi phải chuyển hết nhà máy sản xuất cũng như đối tác lắp ráp iPhone sang các quốc gia khác. Ấn Độ là một lựa chọn cho Apple. Thế nhưng không có nguồn đất hiếm để sản xuất chip và linh kiện điện tử, thứ mà Trung Quốc đang kiểm soát ở cả đất nước họ lẫn tại châu Phi nhiều năm qua, cũng như nguồn lao động dồi dào, mức lương rẻ như Trung Quốc, giá iPhone sẽ leo thang chóng mặt.
Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắc chắn về tương lai của các bên. Huawei được cho là con bài chiến lược trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Nếu đạt được thỏa thuận, Huawei có thể được xóa tên khỏi danh sách đen. Song, điều đó không thể ngăn cản Mỹ vẫn xem Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia. Ngày nào chính phủ Mỹ còn tấn công Huawei, CEO Tim Cook của Apple còn có lý do để lo sợ Trung Quốc trả đũa.