Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng năm 2022 ước đạt 4.853,4 tỷ đồng, tăng trưởng 26,15% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.328 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.342 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,33 triệu người dân (tương ứng 6,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của dịch vụ an toàn thông tin mạng năm 2022 tăng trưởng khá ấn tượng nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Đơn cử như, nguồn nhân lực và trình độ kỹ năng về an toàn thông tin cho công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu và yếu.
Ngoài ra, nhận thức về an toàn thông tin mạng đang còn thấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa ý thức về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, đại đa số người dân còn mơ hồ về vấn đề an toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho an toàn thông tin mạng còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước còn phân tán, chưa được quản lý và bảo đảm an toàn thông tin đồng bộ, thống nhất theo quy định.
Các nguy cơ tấn công mạng ngày càng gia tăng trong quá trình chuyển đổi số, các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng có xu hướng không theo kịp.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần có những giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách/kiêm nhiệm về an toàn thông tin đáp ứng chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin theo quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTTTT và có chính sách để thu hút, giữ chân nhân lực giỏi về an toàn thông tin.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Hướng dẫn phát triển Đội ứng cứu sự cố cho một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành đội ứng cứu sự cố; Phát triển nền tảng hỗ trợ điều tra số. Song song đó, tổ chức diễn tập thực chiến quốc gia; Chiến dịch Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; Chiến dịch làm sạch mã độc không gian mạng 2024;….
Trong trung hạn 2023 – 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất hướng dẫn, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Kiểm tra tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20% - 30%/năm.
Đặc biệt, tạo niềm tin số để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng lên môi trường mạng, tạo thành công cho chuyển đổi số. Dữ liệu và thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức và người dân được bảo đảm an toàn trên không gian mạng; Duy trì và cải thiện thứ hạng quốc gia về Chỉ số An toàn, An ninh mạng toàn cầu (GCI) và đến hết năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới và nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN.