Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và kinh doanh trực tuyến bùng nổ. Việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới trở nên hết sức cần thiết để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, làm việc từ xa, đảm bảo an ninh, an toàn trên mạng. Dưới đây là một số xu hướng công nghệ mới đáng chú ý trong năm 2021:
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn tiếp tục là một trong những xu hướng công nghệ mới. AI được biết đến với tính ưu việt trong nhận dạng hình ảnh và giọng nói, ứng dụng điều hướng, trợ lý cá nhân trên điện thoại thông minh, ứng dụng chia sẻ chuyến đi... Ngoài ra, AI còn được sử dụng để phát hiện các dạng thay đổi của hành vi khách hàng, phân tích các tương tác nhằm xác định các kết nối và thông tin, giúp dự đoán nhu cầu đối với các dịch vụ như y tế, giáo dục...
Dự báo, thị trường AI sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp 190 tỷ USD vào năm 2025 với chi tiêu toàn cầu cho các hệ thống AI đạt hơn 57 tỷ USD vào năm 2021.
Internet vạn vật (IOT)
Internet vạn vật, hay IoT, là một hệ thống các thiết bị, máy móc cơ khí và kỹ thuật số, đồ vật được cung cấp các mã nhận dạng duy nhất (UID) và khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính.
IoT sẽ cho phép dự đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe ở mọi người ngay cả trước khi bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện. Những ứng dụng công nghệ cao như hộp đựng thuốc thông minh, IP cho mọi bộ phận quan trọng của cơ thể bạn, đánh giá thực phẩm có tốt cho sức khỏe hay không, cuộc sống của con người sẽ ngày càng trở nên dễ dàng và tiện lợi. Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận được cá nhân hóa liên quan đến việc kê đơn thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị sẽ xuất hiện và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người rất nhiều.
Vào năm 2019, có khoảng 26 tỉ thiết bị IoT và theo ước tính của trang statin.com, con số tăng lên 30,73 tỉ vào năm 2020 và 75,44 tỉ vào năm 2025. Với giá trị thị trường là khoảng 150 tỉ USD, ước tính mỗi người Mỹ sẽ có trung bình 15 thiết bị IoT vào năm 2030.
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)
Giống như AI, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) là việc sử dụng phần mềm để tự động hóa các quy trình kinh doanh như thông dịch ứng dụng, xử lý giao dịch, xử lý dữ liệu, và thậm chí trả lời cả email. RPA tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại.
Theo ước tính của Forrester Research, tự động hóa RPA sẽ đe dọa sinh kế của 230 triệu lao động tri thức, tương đương khoảng 9% lực lượng lao động toàn cầu, song RPA cũng đang tạo ra nhiều việc làm mới trong khi thay đổi các công việc hiện có.
Mạng 5G
5G được thừa nhận là tương lai của truyền thông và là mũi nhọn của toàn bộ ngành công nghiệp di động. Việc triển khai mạng 5G xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2030, tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc. Loại kết nối Internet di động này sẽ cung cấp cho chúng ta tốc độ tải xuống và tải lên siêu nhanh (nhanh hơn gấp 5 lần so với khả năng 4G) cũng như kết nối ổn định hơn.
Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa
Đại dịch Covid-19 buộc các nước phải tiến hành các đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhưng các bệnh nhân rất khó có thể chờ đợi qua giai đoạn phong tỏa. Do đó, hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa thông qua các phương tiện công nghệ đã tăng vọt, không chỉ về dịch Covid-19 mà còn cho các bệnh mãn tính khác.
Việc “đi khám bệnh” đã thay đổi từ tham gia các cuộc hẹn trực tiếp thành các cuộc gặp trực tuyến với các bác sĩ, dựa vào các ứng dụng như Babylon Health, Ada, WhatsApp và FaceTime. Trong khi đó, nhiều ứng dụng khác như Calm và Headspace đã ghi nhận số người dùng gia tăng mạnh mẽ khi mọi người cố gắng chống lại các tác dụng phụ của việc phong tỏa, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng, lo lắng và cô đơn. Các thiết bị điện tử đeo trên người (wearable) đã phát triển tới mức cho phép người dùng theo dõi nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và điện tâm đồ, phát hiện nếu người dùng bị ngã và theo dõi giấc ngủ của họ.
Sự gia tăng ứng dụng công nghệ và việc thay đổi hành vi của bệnh nhân/người dùng dịch vụ trong mùa dịch đã và sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ chăm sóc y tế từ xa. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2021.
Điện toán đám mây và điện toán biên
Điện toán đám mây có khả năng nhận được sự triển khai đột biến trên tất cả các loại ứng dụng do sự ảnh hưởng của COVID-19. Việc mọi người buộc phải học tập, làm việc tại nhà khiến cho nhu cầu về hội nghị truyền hình và giảng dạy trên nền tảng đám mây đã tăng vọt.
Với sự phát triển của metaverse, nhu cầu sử dụng điện toán đám mây sẽ ngày càng tăng cao và trở nên quan trọng hơn với cuộc sống của con người.
Tuy vậy, các tổ chức đã nhận ra những hạn chế của điện toán đám mây trong một số tình huống khi khối lượng dữ liệu mà họ xử lý tiếp tục tăng lên. Điện toán biên được dùng nhằm giải quyết một số vấn đề này bằng cách tránh độ trễ do điện toán đám mây gây ra và cho phép dữ liệu được gửi trực tiếp đến trung tâm dữ liệu để xử lý. Do đó, điện toán biên có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn từ xa hơn, cung cấp khả năng hoạt động như một trung tâm dữ liệu nhỏ trong những tình huống cần thiết.