Chiều ngày 15/3/2022, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định UKVFTA sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới".
Đây là một hoạt động cần thiết để tạo cơ hội cho các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước cùng thảo luận và đánh giá các vấn đề này, nhằm xác định những giải pháp, bài học kinh nghiệm phù hợp để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả trong công tác thực thi Hiệp định này trong thời gian tới.
Hiệp định UKVFTA được ký chính thức tại Luân Đôn, Vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021, và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 đạt 6,61 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch COVID-19.
Nhờ sự ưu đãi của UKVFTA dành cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại Việt Nam, các cơ hội luôn sẵn có trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như giáo dục, Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành giáo dục của Việt Nam. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam thích giáo dục tư thục hơn các trường công lập, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các cơ sở tư nhân, trung tâm đào tạo tiếng Anh và trường dạy nghề. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh.
Cụ thể 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Con số này cao hơn so với EVFTA (70,3%). Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ EVFTA. Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mức thuế suất không ưu đãi trên thực tế có thể thấp hơn do có những thay đổi trong biểu thuế Tối huệ quốc của Vương quốc Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể kể đến như: Trong ngành thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10 - 20% xuống 0%; trong ngành gỗ: Nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; đối với trái cây: 94% trong tổng số 547 dòng thuế được xóa bỏ; UKVFTA đã duy trì các cam kết giữa EU và Việt Nam về tự do hóa thị trường mua sắm công và đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có hiệu lực; và Việt Nam đã cam kết loại bỏ Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) áp dụng cho các cơ sở bán lẻ thứ cấp và các cơ sở bán lẻ tiếp theo, trong vòng 5 năm sau khi có hiệu lực.
Sau 1 năm UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã có kết quả ấn tượng.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch song phương Việt - Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch Covid-19.
Ở chiều xuất khẩu, một lượng hàng hóa trị giá hơn 5,7 tỷ USD của nước ta đã được xuất khẩu sang Anh, tăng 14,5%, nhập khẩu từ Anh gần 900 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD.
Bộ Công thương nhận định: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm 2021 thì kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cả năm 2021 có thể nói là “kỳ tích”.
Trong kết quả đó, Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt.