Apple nổi tiếng "khó tính" khi luôn từ chối sửa chữa iPhone sử dụng linh kiện bên thứ 3. Tuy nhiên, Táo khuyết sẽ nới lỏng chính sách của mình từ ngày 28/2, đồng ý sửa chữa iPhone dùng pin không chính hãng tại Genius Bars cũng như tất cả nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền của công ty trên toàn cầu.
Giờ đây các kĩ thuật viên có thể thực hiện các dịch vụ như bình thường để sửa chữa các thành phần không liên quan đến pin, như micro, bảng logic hoặc màn hình, ngay cả khi họ phát hiện ra pin của bên thứ ba khi mở iPhone ra.
Trong trường hợp gặp vấn đề liên quan đến pin, các kĩ thuật viên của Genius Bar và AASP sẽ được phép thay thế pin đó bằng pin chính thức của Apple với mức phí tiêu chuẩn. Báo cáo cũng nói rằng các kĩ thuật viên sẽ được phép thay thế toàn bộ iPhone với chi phí thay pin nếu các tab pin bị hỏng, thiếu hoặc có chất kết dính quá mức theo quyết định tại Genius Bar hoặc AASP. Đó rõ ràng là một quy định khá cởi mở mà Apple đã từng thực hiện từ trước đến nay.
Pin là thành phần mới nhất được chấp nhận bởi chính sách sửa chữa của Apple. Trước đó, công ty cũng đã thay đổi chính sách chấp nhận iPhone có sử dụng màn hình không chính hãng để sửa chữa vào năm 2017. Có thể nói chính sách mới của Apple về việc sửa chữa điện thoại với pin là một động thái thân thiện hơn với người tiêu dùng.
Thay pin mới là cách hiệu quả để tăng hiệu suất hoạt động của đời iPhone cũ. Vào tháng 1/2018, Apple đưa ra chương trình thay pin mới cho iPhone với mức phí chỉ 29 USD, sau thông tin công ty cố tình làm giảm hiệu năng iPhone cũ. Chỉ một năm sau khi chương trình bắt đầu, đã có hơn 11 triệu viên pin được thay thế.