Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia hấp dẫn Thụy Điển nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu, sự lạc quan của doanh nghiệp và độ mở của nền kinh tế. Ở diễn đàn lần này có sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 công ty Thụy Điển và các tổ chức hỗ trợ thương mại. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Thụy Điển sang Việt Nam từ trước đến nay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển - Ann Linde cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều lý do để tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội thương mại và kinh doanh". Bà đánh giá cao Việt Nam về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu, sự lạc quan của doanh nghiệp và độ mở của nền kinh tế.
Sự kiện được tổ chức nhằm củng cố hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp Thụy Điển sẽ giới thiệu giải pháp về chế tạo, thành phố thông minh, công nghệ thông tin - truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục và tính bền vững. Sự kiện cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành điện tử thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tham dự.
"Với Thụy Điển, Việt Nam không chỉ là thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai. Việt Nam còn có hệ sinh thái kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam", bà cho biết.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Đến nay, các công ty Thụy Điển có mặt tại Việt Nam đã tạo ra hơn 120.000 việc làm. Kim ngạch thương mại song phương đạt trên 1,3 tỷ USD năm ngoái.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao – Phạm Bình Minh cũng đánh giá hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng và hiện tại là thời điểm vàng để thắt chặt quan hệ. "Việt Nam muốn hợp tác, học hỏi từ những quốc gia giàu kinh nghiệm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp Cách mạng Công nghiệp 4.0", ông cho biết. Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ thương mại tự do và muốn Thụy Điển tiếp tục tác động để Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn, vì lợi ích chung của cả hai bên.
"Ở Hà Nội hay Stockholm, doanh nghiệp sáng tạo luôn là động lực phát triển then chốt, nhưng phát triển phải gắn liền với sự bền vững. Thụy Điển cũng từng trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh với những vấn đề về ô nhiễm, quá tải hạ tầng. Chúng tôi hy vọng diễn đàn này sẽ là cơ hội để chúng tôi chia sẻ những giải pháp giúp Việt Nam" - bà Victoria Ingrid Alice Desiree, Công chúa kế vị Thụy Điển chia sẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Việt Nam nuôi dưỡng những tham vọng lớn cho tương lai và hiện đang ở vị thế rất tốt để tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Để có thể làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số lĩnh vực, ví dụ như môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng khi bước tiếp trên con đường tăng trưởng bền vững. Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp đổi mới sáng tạo của Thụy Điển trong các lĩnh vực này và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh doanh với các công ty Thụy Điển đã có mặt tại cũng như các công ty mong muốn vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.
Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969. Chương trình hợp tác phát triển của Thụy Điển, có giá trị 4 tỷ USD tính theo thời giá hiện nay, kéo dài trong 46 năm. Từ năm 2014, Thụy Điển tập trung vào quan hệ chính trị song phương và hỗ trợ kinh doanh làm ăn giữa Việt Nam và Thụy Điển. Nhiều công ty của Thụy Điển đã có mặt ở Việt Nam, tạo ra hơn 120,000 việc làm. Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 1,3 tỷ USD trong năm qua. Với chuổi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thụy Điển mong muốn các công ty Thụy Điển quan tâm nhiều hơn nữa tới thị trường Việt Nam và thúc đẩy các đối tác của Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về các giải pháp công nghệ và cơ hội xuất khẩu của Thụy Điển.Quan hệ đối tác lịch sử mạnh mẽ và 50 năm quan hệ ngoại giao đã tạo nên một nền tảng hoàn hảo cho tương lai chung của hai nước chúng ta.