Từ nhiều năm nay, Facebook đã được coi là một trong những nền tảng quảng cáo trực tuyến bắt buộc cho các doanh nghiệp lớn nhỏ muốn tiếp cận lượng khách hàng lớn. Dù mạng xã hội lớn nhất thế giới liên tục vướng vào scandal và nhiều lần bị tẩy chay, cỗ máy quảng cáo của họ vẫn liên tục kiếm ra tiền. Nhiều người cho rằng Facebook là một thế lực không thể ngăn chặn. Nhưng giờ đây, trước những thông tin sai lệch mang tính thù hận ngày càng nhiều, làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Facebook càng lan rộng trên quy mô toàn cầu.
"Chúng tôi đang tạm dừng tất cả quảng cáo trên mạng xã hội trong 30 ngày tới để đánh giá lại sự hiện diện của chúng tôi trên các nền tảng này", Ford tuyên bố.
"Các nội dung như ngôn từ kích động thù địch, bạo lực và bất công chủng tộc trên các nền tảng xã hội cần bị xóa bỏ. Chúng tôi đang tích cực tham gia vào các sáng kiến công nghiệp do Hiệp hội các nhà quảng cáo quốc gia dẫn đầu, với mong muốn thúc đẩy sự trách nhiệm, minh bạch và các biện pháp đáng tin cậy để làm sạch hệ sinh thái truyền thông xã hội và kỹ thuật số", Ford nhấn mạnh.
Theo Ad Age, Ford đã chi 2,9 triệu USD cho quảng cáo Facebook, song chỉ chi 57.000 USD trong 30 ngày qua.
Vừa qua, Starbucks tuyên bố rút quảng cáo khỏi các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Facebook. Trước đó, Unilever cho biết dừng quảng cáo trên cả Facebook và Twitter ít nhất là hết năm nay. Tuyên bố này có ảnh hưởng lớn đến mức nhấn chìm cổ phiếu của cả Facebook và Twitter phiên thứ sáu, khiến tài sản của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg bốc hơi hơn 7 tỷ USD và có thể châm ngòi cho hiệu ứng domino với các khách hàng lớn khác của mạng xã hội này.
Trong khi đó, Fox Business báo cáo rằng tập đoàn thực phẩm và đồ uống Pepsico, công ty mẹ của Pepsi, Gatorade và Mountain Dew đã "lặng lẽ" tham gia tẩy chay Facebook, Instagram mà không có thông báo chính thức nào.
Còn gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã dừng quảng cáo Facebook vào tháng 5, ngay trước khi các cuộc tẩy chay có tổ chức được đưa ra. Microsoft tạm dừng quảng cáo trên Facebook do lo ngại về các nội dung hiển thị cùng quảng cáo của họ. Sau đó, việc dừng quảng cáo của Microsoft được mở rộng trên toàn thế giới.
Tuần trước, Facebook đã liên lạc với các công ty, khẳng định họ đang nỗ lực lấp đầy "khoảng trống niềm tin". Họ đã gửi đi hàng loạt email đến các khách hàng, với hy vọng kiềm chế làn sóng tẩy chay. Hôm thứ Sáu, Zuckerberg cũng có bài phát biểu về các cam kết mới trong việc cấm quảng cáo nội dung thù địch và gắn nhãn các bài đăng gây tranh cãi từ chính trị gia. Tuy nhiên, bất chấp sức ép ngày càng tăng, Zuckerberg – người duy nhất có quyền quyết định Facebook sẽ làm gì tiếp theo – lại không nhắc đến cuộc tẩy chay. Quyết định này có thể càng khiến những người chỉ trích anh hành động mạnh tay hơn.
Facebook có 8 triệu nhà quảng cáo. Nếu muốn mạng xã hội này bị tác động, cần phải có hiệu ứng đám đông cực lớn.
Hiện tại, Facebook chưa phải chịu tổn thấy lớn khi khách hàng lớn nhất chưa rút quảng cáo, phần lớn doanh thu đến từ công ty nhỏ và việc tẩy chay chỉ trong một tháng khó khiến Facebook chịu ảnh hưởng.
Khi cuộc tẩy chay quảng cáo bắt đầu lan rộng, Facebook cho biết họ sẽ gắn cờ tất cả các bài đăng "có giá trị tin tức" từ các chính trị gia và các nhóm chính trị phá vỡ quy tắc của họ, bao gồm cả những bài đăng từ Tổng thống Trump.