Không đợi đến khi có một “khoảnh khắc ChatGPT” của riêng mình, giới công nghệ lượng tử đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào đào tạo và xây dựng hệ sinh thái nhân tài từ rất sớm. Theo Erik Garcell, Giám đốc phát triển doanh nghiệp lượng tử tại Classiq Technologies, các chuyên gia trong ngành hiểu rõ rằng một bước đột phá công nghệ có thể đến bất ngờ – và khi đó, điều quyết định tốc độ phát triển chính là con người chứ không chỉ là thuật toán.
Khi AI bùng nổ, thế giới chứng kiến nhu cầu nhân lực tăng vọt nhưng thiếu hụt trầm trọng kỹ sư có khả năng huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn, viết thuật toán tối ưu hay thiết kế ứng dụng có khả năng mở rộng. Tỷ lệ người lao động được tiếp cận với cơ hội đào tạo AI chênh lệch đáng kể giữa các thế hệ và giới tính, dẫn đến sự mất cân đối trầm trọng về phân bổ kỹ năng.
Các công ty lượng tử, rút kinh nghiệm từ điều đó, không đợi đến khi công nghệ phổ cập rồi mới lo thiếu người. Họ đang triển khai mô hình “đào tạo sớm – phổ cập sâu” thông qua hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, thậm chí mở các khóa học miễn phí cấp chứng chỉ để thu hút lực lượng mới. Đây là cách để mở rộng tri thức lượng tử – một lĩnh vực vốn được xem là quá chuyên sâu, phức tạp và kén người học.
Điện toán lượng tử không đơn thuần là một nhánh của khoa học máy tính. Nó là giao điểm của cơ học lượng tử, toán học lý thuyết và kỹ thuật lập trình tiên tiến – tức cần sự chuẩn bị toàn diện từ nền tảng giáo dục đến hạ tầng nghiên cứu. Việc Microsoft công bố chip lượng tử Majorana hay IBM hợp tác với startup Q-CTRL cho thấy các “ông lớn” công nghệ đang đặt cược nghiêm túc vào cuộc chơi dài hơi này.
Dự báo đến năm 2035, điện toán lượng tử có thể tạo ra hơn 800.000 việc làm mới. Nhưng con số này sẽ chỉ là viển vông nếu không có một hệ sinh thái nhân lực được hình thành từ bây giờ. Đó là lý do vì sao MIT, Đại học Chicago hay Berkeley đã tích cực triển khai các chương trình giảng dạy lượng tử chính quy, thay vì để lĩnh vực này mãi nằm trong các phòng thí nghiệm hàn lâm.
Không đợi “khoảnh khắc ChatGPT”, điện toán lượng tử đang chủ động tạo ra nó
Thay vì chờ một sản phẩm “gây sốt” xuất hiện để kéo theo cơn lốc truyền thông như ChatGPT đã làm với AI, các nhà phát triển lượng tử đang lựa chọn một con đường khác: chuẩn bị mọi thứ – từ công nghệ, con người đến truyền thông – để khi thời khắc đến, ngành có thể tận dụng tối đa hiệu ứng lan tỏa.
Nếu AI là bài học về tốc độ, thì điện toán lượng tử là bài học về chiều sâu. Và ở thời điểm hiện tại, chính chiều sâu ấy mới là điều cần thiết để biến một công nghệ hàn lâm trở thành động lực phát triển thực sự cho kinh tế, y học, năng lượng và an ninh mạng toàn cầu.