Trong giấc mơ về một tương lai nơi robot hình người Optimus sẽ đảm nhiệm phần lớn công việc lao động của con người, Elon Musk có thể đã tính đến kỹ thuật, thị trường, sản lượng và chi phí sản xuất. Nhưng có lẽ điều ông không ngờ tới – hoặc đánh giá chưa đủ – là rào cản lớn nhất lại đến từ địa chính trị: Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm.
Tại cuộc họp báo cáo tài chính ngày 22/4, vị CEO của Tesla thừa nhận công ty đang “làm việc với chính phủ Trung Quốc” nhằm tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược – một động thái cho thấy ngay cả người được coi là có "năng lực thay đổi tương lai" cũng không thể tách rời khỏi thực tại của chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng bị chính trị hóa.
Để một robot hình người có thể tự đứng vững, di chuyển nhịp nhàng và tương tác với môi trường, những thành phần như nam châm vĩnh cửu, cảm biến chính xác hay mô-tơ nhỏ gọn đều không thể thiếu. Và tất cả chúng đều cần đến đất hiếm – các nguyên tố nằm sâu trong lòng đất nhưng có giá trị chiến lược ở tầm cao của công nghệ thế giới.
Vấn đề là Trung Quốc hiện cung cấp hơn 90% lượng nam châm đất hiếm trên thị trường toàn cầu. Lệnh kiểm soát xuất khẩu mới – được ban hành như một đòn đáp trả trong căng thẳng thương mại với Mỹ – không chỉ khiến Tesla bị chậm tiến độ sản xuất Optimus, mà còn gián tiếp đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Liệu các công ty Mỹ đã đủ chuẩn bị để tự chủ chuỗi cung ứng cho tham vọng công nghệ hay chưa?
Elon Musk đã đi trước thế giới một bước trong cuộc đua robot hình người, nhưng bối cảnh địa chính trị có thể khiến bước tiến đó trở thành gánh nặng. Nếu Trung Quốc siết chặt hơn nữa, không chỉ Tesla mà cả ngành công nghiệp robot phương Tây sẽ chậm lại. Trong khi đó, các đối thủ tại Trung Quốc như Unitree Robotics hay AgiBot – vốn ít phụ thuộc vào nhập khẩu – lại có thể tăng tốc.
Điều đáng lo không chỉ là bài toán nguyên liệu, mà là mất đi lợi thế dẫn đầu. "Chúng tôi đang đi trước", Musk tuyên bố, nhưng chính ông cũng cảnh báo rằng bảng xếp hạng công nghệ trong tương lai có thể sẽ tràn ngập những cái tên đến từ Trung Quốc.
Kế hoạch sản xuất 5.000 robot Optimus trong năm 2025, theo Musk, vẫn đang "bình thường". Nhưng khi yếu tố then chốt như đất hiếm trở thành quân bài thương lượng giữa các siêu cường, thì mọi tuyên bố sản lượng đều mang tính kỳ vọng hơn là đảm bảo.
Tham vọng tạo ra thế hệ robot thay con người – một bước tiến biểu tượng cho trí tuệ và quyền năng công nghệ – giờ đây lại bị trói buộc bởi tài nguyên hữu hạn và những giới hạn rất con người: lòng tin, chính sách và quyền lực.