Ước đoán chỉ vài năm nữa thôi, con số này sẽ được ghi ở mức đáng nể là 1.000 tỉ USD.
Phần lớn “chiếc bánh to ngon” này thuộc về 5 quốc gia là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hà Lan. Trên thực tế, 5 quốc gia này kiểm soát khả năng tiếp cận toàn cầu với các các con chip tiên tiến nhất.
Những con chip tiên tiến nhất được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc nhưng chúng chỉ có thể được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan. Hiện nay cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - một bước đi ngoạn mục về ngoại giao tạo cơ sở căn bản để chúng ta sớm xây dựng được ngành Công nghiệp Chip bán dẫn Việt Nam lớn mạnh, hiệu quả.
Hoa Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản đang kiểm soát 90% thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Trong lĩnh vực chế tạo những con chíp hàng đầu thì Công ty ASML (Hà Lan) nắm giữ độc quyền đối với thiết bị tiên tiến nhất là máy in thạch bản sử dụng tia cực tím dùng để chế tạo những con chíp đầu bảng.
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đang được coi là Quốc gia có trữ lượng đất hiếm (nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chip bán dẫn) lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng hay nhắc đến bề dày về kinh nghiệm khai thác, tinh luyện đất hiếm của mình. Tuy nhiên, vào tháng 10/2022, chính quyền Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất sang Trung Quốc, điều này rất nhiều khả năng sẽ tác động rất lớn đến kỹ năng về đất hiếm và chất bán dẫn của Trung Quốc.
Dù những con chip tiên tiến nhất không được sản xuất tại Hoa Kỳ mà được sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan, nhưng những con chip đó chỉ có thể sản xuất được bằng các công cụ của Hoa Kỳ, bằng phần mềm chuyên dụng được sử dụng để sản xuất chip của Mỹ. Điều này mang lại cho Mỹ lợi thế độc quyền về việc nước nào có thể mua chúng. Hiện nay, các biện pháp kiểm soát, xuất khẩu bổ sung của Hoa Kỳ đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã khiến Trung Quốc không có được thiết bị cần thiết để sản xuất chip tiên tiến của riêng mình.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đặc biệt quan trọng để sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao là đất hiếm (Rare Earth). Các nhà khoa học coi đất hiếm là nguyên tố của tương lai và nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỉ 21, có thể còn xa hơn. Hiện nay, thị trường đất hiếm thế giới có giá trị hơn trên 8 tỉ USD và dự đoán sẽ tăng đến hơn 14 tỉ USD vào năm 2025. Trữ lượng đất hiếm của cả thế giới ước khoảng 120 triệu tấn, tập trung phần nhiều ở Trung Quốc (44 triệu), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu), Nga (21 triệu) và Ấn Độ (6,9 triệu). Nước Mỹ không giầu tài nguyên đất hiếm nhưng đang tập trung rất nhiều vào việc phát triển công nghiệp chip bán dẫn hàng đầu thế giới và đây cũng là gợi ý cho thấy vì sao Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang rất quan tâm tới việc nâng tầm quan hệ tốt với Việt Nam.
Cùng với việc gần đây Việt Nam ký kết nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với hàng loạt những quốc gia lớn về sản xuất chất bán dẫn và có ngành công nghiệp điện tử hùng mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, giới công nghệ, doanh nghiệp và người dân đang tràn đầy hy vọng vào tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp chip, điện tử của Việt Nam - sẽ sớm tạo thêm hàng vạn việc làm thật hiệu quả và bền vững với doanh số hàng chục tỉ USD.
Khi nói về công nghiệp chip bán dẫn hiện đại, hiệu quả thì hình bóng Hoa Kỳ cùng các tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Mỹ như Intel hiện lên rất đậm nét.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ngài Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Intel, Qualcom, Ampere, ARM... sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Intel là một công ty công nghệ khổng lồ luôn có mặt trong tốp 500 tập đoàn lớn nhất thế giới suốt nhiều chục năm qua. Tạp chí Fortune nổi tiếng lâu đời hàng năm đều công bố danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới được họ bình chọn, gọi tắt là Global 500, theo đó, để được góp mặt trong danh sách này thì tập đoàn phải đạt doanh số trên 30 tỉ USD năm 2023.
Ngay từ đầu năm 2007, Intel đã chính thức đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 150.000m2. Lý do Intel chọn lựa đầu tư tại Việt Nam là do sức hút của một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một chính phủ có quan điểm hiện đại. Tuy nhiên Intel cũng nói rằng, vấn đề tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực là một khó khăn lớn của tập đoàn này khi đầu tư ở Việt Nam.
Gã khổng lồ công nghệ Intel đã có tuổi đời hơn nửa thế kỉ. Năm 1968, Intel được thành lập bởi 2 nhà sáng lập là Robert Noyce và Gordon Moore. Hiện nay tập đoàn này đóng trụ sở chính ở Sanata Clara, California, Mỹ và có hơn 100 chi nhánh bán hàng tại trên 30 nước. Intel có cơ sở sản xuất đặt ở rất nhiều nước với gần 100.000 người làm.
Tập đoàn Intel có nhiều huyền thoại - đặc biệt vang dội là huyền thoại về ông chủ đại tài Andrew Grove. Bóng hình như Bill Gates với Microsoft, Andrew Grove là đồng sáng lập tập đoàn Intel và đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch điều hành trong một thời kỳ rất dài. Intel dưới sự lãnh đạo tài tình của Andrew Grove đã trở thành nhà sản xuất bộ vi xử lí (chip) lớn nhất thế giới. Vào những năm 90 của thế kỉ trước, Chủ tịch điều hành Andrew Grove đã làm việc quên mình giúp tốc độ tăng doanh thu của Intel thường xuyên vượt 20%. Các sản phẩm chủ chốt của Intel là các bộ xử lí vi mạch và hệ thống chip điện tử dùng cho máy tính cá nhân và máy tính xách tay đều đạt kỉ lúc về số lượng bán ra.
Andrew Grove là người Hungari gốc Do Thái, có cha là thương nhân. Ông sinh ngày 2-9-1936 tại Budapest. Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Andrew Grove là một trong số ít người của dòng tộc ông sống sót thoát khỏi sự truy sát của phát xít Đức. Ngay từ khi còn đi học, Andrew Grove đã tỏ ra cực kì thông minh, học giỏi toàn diện và rất có năng khiếu nghiên cứu khoa học. Như bao người Do Thái khác ông còn có cả năng khiếu về kinh doanh. Năm 1956 Andrew Grove di tản sang Mỹ và học tại trường New York City College. Năm 1960, sau khi có tấm bằng cử nhân xuất sắc ngành hóa vật liệu, Andrew Grove đã làm tiếp nghiên cứu sinh rồi tiến sĩ tại trường Đại học tổng hợp California tại Berkeley. Trong ngành chuyên môn của mình Andrew Grove là một tên tuổi lớn với hơn 40 công trình nghiên cứu và nhiều bằng phát minh.
|