Bằng cách sử dụng thuật toán máy học (machine learning) của DeepMind để dự đoán sản lượng điện tạo ra bởi năng lượng gió từ các trang trại mà Google sử dụng cho các sáng kiến năng lượng xanh của mình, công ty cho biết giờ đây họ có thể lên phương án cụ thể trong việc vận hành các hệ thống lưu trữ, phân phối và cung cấp điện, mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các tiêu chuẩn đang được sử dụng hiện nay.
Theo Google, phần mềm này đã giúp cải thiện “giá trị” của lượng điện năng tạo ra từ gió mà các trang trại này đang cung cấp thêm 20% so với biện pháp lưu trữ, phân phối và cung cấp mà không sử dụng đến các dự đoán dựa trên thời gian thực. Tuy nhiên, gã khổng lồ nước Mỹ cũng không giải thích rõ về việc giá trị đó là về mặt tiền tệ hay về sản lượng điện năng, cũng như việc Google triển khai công trình này ở các trang trại gió nào, nhưng nhiều khả năng sẽ là ở khu vực Trung Tây Hoa Kỳ, nơi có sự hiện diện của một số trung tâm dữ liệu lớn tại quốc gia này.
Năm ngoái, Google cho biết cuối cùng họ cũng đã đạt được cột mốc đáng chú ý trong việc bù đắp mức sử dụng năng lượng của mình với 100% nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã được khai thác hiệu quả. Điều này đạt được phần lớn là nhờ vào các hợp đồng mua bán năng lượng và đầu tư hiệu quả của Google với các trang trại năng lượng mặt trời và gió, giúp cung cấp điện năng cho các trung tâm dữ liệu của công ty này, cũng như với các kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo bù đắp cho việc sử dụng lưới điện tiêu chuẩn ở các thị trường khác.
Tuy nhiên, khi nói đến năng lượng gió, việc sử dụng nguồn điện được tạo ra từ loại hình năng lượng này có thể khó khăn hơn bởi việc các định được xem một trang trại gió nào đó có thể tạo ra bao nhiêu điện, cách tốt nhất để lưu trữ lượng điện năng đó là gì và sau đó, làm thế nào để truyền tải sao cho hiệu quả là không hề đơn giản. Theo Google, bản chất biến đổi của gió làm cho nó trở thành một nguồn năng lượng rất khó đoán định, hay nói đúng hơn là không thể dự tính được, do phải dựa vào tự nhiên để ước tính nhu cầu điện cần thiết của lưới điện.
“Chúng ta chắc chắn không thể loại bỏ sự biến đổi của gió trong các tính toán, nhưng kết quả ban đầu của cuộc thử nghiệm cho thấy rằng việc sử dụng máy học để dự đoán sản lượng điện năng tạo ra từ gió tại nhiều thời điểm với nhiều sự biến đổi khác nhau về mặt tự nhiên là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, cách tiếp cận này cũng giúp mang lại sự chặt chẽ trong khâu phân tích và đưa ra dữ liệu cho các hoạt động cụ thể của những trang trại gió, đơn giản là bởi máy học có thể giúp các nhà quản lý trang trại gió thực hiện những đánh giá phức tạp một cách thông minh hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, đặc biệt là trong vấn đề ước tính xem sản lượng điện năng từ các trang trại gió có thể đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu sử dụng điện.
Đây không phải là lần đầu tiên những ứng dụng về AI của DeepMind được sử dụng theo cách này. Trở lại năm 2016, Google từng tuyên bố rằng họ đã thành công trong việc cắt giảm khoảng 15% chi phí điện năng cho các trung tâm dữ liệu của mình nhờ vào sự trợ giúp của phòng thí nghiệm AI. Năm 2018, Google đã tiến xa hơn và trao cho các hệ thống AI này nhiều quyền kiểm soát hơn trong việc tính toán định mức điện năng sử dụng cho toàn hệ thống. Ngoài ra, cũng đã có một báo cáo vào năm 2017 chỉ ra rằng DeepMind đang hợp tác với cơ quan chuyên trách về lưới điện quốc gia Vương quốc Anh để giúp cơ quan này tính toán, cân đối giữa cung và cầu đối với sản lượng điện trên toàn lãnh thổ Anh.
Bên cạnh đó, các dự án này cũng cho thấy được triển vọng cực lớn của DeepMind trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, từ hình thức trung tâm thí nghiệm sang hướng thu về lợi nhuận. Trong năm 2017, DeepMind đã “tiêu tốn” của công ty mẹ Google khoản ngân sách lên tới 368 triệu USD cho các dự án nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong khi lợi nhuận thu về lại không mấy đáng kể. Nếu các phần mềm của DeepMind có thể được sử dụng trong những tình huống thực tế bên ngoài phòng thí nghiệm, công ty này hoàn toàn có thừa tiềm năng trở thành một mảng kinh doanh tạo lợi nhuận khổng lồ cho Google.
Trên tất cả, một lần nữa chúng ta lại thấy được tính thiết thực cũng như hiệu quả của AI đối với mọi lĩnh vực của đời sống!