Phát huy sức mạnh nội lực của con người, của phụ nữ
Sức mạnh nội lực là nguồn lực quý giá thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc điểm nổi bật của CMCN 4.0 là tính kết nối, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số, tạo động lực phát triển. Trong đó, mỗi người là một cá thể trong mạng lưới gắn kết đó, cần nắm bắt những công nghệ tiên tiến, tạo ra những khả năng mới trong sản xuất và kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia. Nắm bắt theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ giúp phụ nữ vượt lên trước những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam khi trong thời gian tới lao động nữ thủ công sẽ bị thay thế bằng tự động hóa, robot hóa. Phụ nữ cần được thúc đẩy năng lực công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo, khởi nghiệp, tăng cường sự tự chủ, tự tin. Trong bối cảnh CMCN 4.0, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội để chứng minh năng lực cũng như phát triển bản thân.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Cần thay đổi cách tiếp cận về giới. Bình đẳng giới không có nghĩa là luôn ưu tiên cho phụ nữ mà là thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới để họ phát triển, phát huy được hết khả năng, năng lực của mình trong đời sống xã hội. Bà Thân Thị Thiên Hương – chuyên gia Giới, Đại sứ quán Australia cho biết: “Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều địa phương tại Việt Nam. Phân biệt giới ở Việt Nam xảy ra dưới nhiều hình thức kín đáo, như vai trò chăm sóc của người phụ nữ, cũng như những hình thức rõ rệt khác như tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng xu hướng trọng nam khinh nữ. Khoảng cách về giới ở nhiều chỉ số thậm chí còn rất lớn đối với phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo”.
Giám sát phản biện xã hội để bảo đảm tính hiệu lực thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng giới
Để bảo vệ quyền phụ nữ có hiệu quả hơn, cần coi trọng xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015; Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn; Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020… Các chiến lược, chương trình, chính sách, đề án nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ban ngành liên quan trực tiếp thực hiện. Không những thế, lĩnh vực bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quốc tế về thúc đẩy thực thi bình đẳng giới và tăng cường quyền năng của phụ nữ.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết đầy đủ về CMCN 4.0
Khi mỗi người tự trang bị cho bản thân kiến thức đầy đủ, hiểu rõ bản chất, những thách thức của CMCN 4.0 thì phụ nữ hay nam giới trong xã hội sẽ nhận thức tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, từ đó sẽ nâng cao năng lực để có kỹ năng cao hơn, thích ứng với những yêu cầu của CMCN 4.0 đặt ra.
CMCN 4.0 tạo ra sự bất bình đẳng lớn trong lao động. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển. Vì thế những khó khăn, trở ngại về giới như sức khỏe, công việc, gia đình, thời gian sẽ là những bất lợi đối với phụ nữ và những nhóm người yếu thế như người nghèo, người khuyết tật,… Trong bối cảnh đó, phụ nữ cần cân bằng được cuộc sống, công việc, vượt qua rào cản giới, vượt qua sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận với sự thay đổi của khoa học, công nghệ, đáp ứng ngày càng cao của CMCN 4.0.