Việc "gã khổng lồ" Amazon chính thức đổ bộ vào Việt Nam khiến thị trường thương mại điện tử trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Tại Hội nghị sáng nay, ông Gijae Seong, đại diện Amazon cho hay nhà bán lẻ trực tuyến đang xây dựng đội ngũ để phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hãng sẽ giúp các cá nhân, doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có thể tiếp cận với khách hàng toàn cầu.
Theo chia sẻ của ông Gijae Seong, thị trường bán lẻ toàn cầu đang phát triển nhanh chóng hơn 51% mặt hàng được bán trên Amazon đều đến từ bên thứ 3 và 25% doanh số bán lẻ này thuộc về người bán nước ngoài. Ông cũng kể những câu chuyện khởi nghiệp từ Amazon thành công của người Việt Nam. Đồng thời cho biết, Amazon sẽ trở thành công cụ bán hàng của người Việt Nam để mở rộng thị trường thế giới.
Trước Amazon, hàng loạt ông lớn thương mại điện tử đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường này với quy mô dân số gần 100 triệu người. Điển hình là Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã đầu tư vào Việt Nam với việc mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada.
Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử Shopee, cũng nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á.
Mới nhất, tháng 1 năm nay, JD.com cũng trở thành cổ đông lớn khi rót cả nghìn tỷ đồng vào Tiki.vn. Như vậy, cộng với với sự gia nhập chính thức của Amazon, 3 trong số 4 “đại gia” lớn nhất thế giới về thương mại điện tử đã có mặt tại Việt Nam, với những chiến lược giành thị phần khác nhau. Đây đều là những cơ hội để các doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng thông qua một hình thức mua sắm mới ngày càng được ưa chuộng.
Việc Amazon cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ tháng 3/2018 được đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường thương mại điện tử. Theo đó, thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người dân sẽ thuận tiện hơn trong mua bán hàng hóa. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa qua Amazon. Các mặt hàng "Made in Vietnam" nhờ đó có thể đến tay người tiêu dùng quốc tế một cách dễ dàng hơn.
Theo Bộ Công thương hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon. Trong khi con số mà Alibaba công bố ấn tượng hơn nhiều, khoảng 100.000 doanh nghiệp. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, chắc chắn sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt của các “đại gia” công nghệ, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về công nghệ, tài chính, quản trị.
Sau sự kiện này, Amazon sẽ hợp tác với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức đào tạo, học cách bán bán hàng từ Amazon cho các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, ông Gijae Seong cho biết.