Cách đây khoảng 4 tuần Musk đã khiến thị trường truyền thông Mỹ và thế giới "chao đảo" khi bỏ 3 tỷ USD để mua 9% cổ phần của mạng xã hội Twitter. Ngay sau khi có tin Musk đầu tư vào Twitter, giá trị cổ phiếu của mạng xã hội này đã ngay lập tức tăng lên 25%. Tuy nhiên, giá đề nghị mua Twitter hôm nay Musk đưa ra còn hấp dẫn hơn nhiều: Giá trị mỗi cổ phiếu của Twitter cao hơn khoảng 38% giá trị cổ phiếu của Twitter khi Musk mua 9% cổ phần của mạng xã hội này.
Musk là cha đẻ của hàng loạt các dự án khổng lồ nhưng hết sức thành công như: Công ty vũ trụ tư nhân SpaceX với dự án đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2024; Hãng xe ô-tô điện Tesla có giá trị cổ phiếu lớn nhất thế giới khoảng 1000 tỷ USD (gần bằng giá trị cổ phiếu của 9 hãng xe ô-tô kế tiếp cộng lại), Hệ thống vệ tinh Starlink gồm khoảng 40.000 vệ tinh địa tĩnh bay quanh quỹ đạo thấp của trái đất để cung cấp dịch vụ viễn thông 6G, Hãng Boring chuyên về vận tải chở khách siêu tốc, siêu rẻ với những con tàu chạy xuyên lòng đất...
Elon Musk định làm gì với Twitter?
Musk là người dùng Twitter thường xuyên, có 81,6 triệu người theo dõi trên MXH này. Musk cũng thường xuyên sử dụng Twitter để truyền tải các thông điệp có tính tiên phong về mặt xã hội và công nghệ. Có lẽ Twitter còn là phương tiện để Musk quảng bá cho công việc kinh doanh của mình.
Về mặt cá nhân, Musk là "kẻ thù không đội trời chung" của các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như chính Twitter mà Musk đang có ý định mua, Facebook, Instagram... Musk cho rằng các nền tảng này đang kiểm duyệt "tự do ngôn luận" và "bóp nghẹt" các tiếng nói "bảo thủ" của những người Cộng hòa.
Ở ngoài đời, Musk là người có thái độ thân thiết và khá thiện cảm với cựu Tổng thống Donald Trump. Musk đã không ít hơn một lần bày tỏ sự bất bình khi Facebook và Twitter đồng loạt xóa tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trước đây, Musk đã từng có ý định lập một mạng xã hội riêng để cạnh tranh trực tiếp với Facebook và Twitter. Tuy nhiên, có thể có quá nhiều rào cản về mặt công nghệ, thời gian và tiền bạc khi xây dựng một mạng xã hội mới. Sự "thất bại" của mạng xã hội TRUTH mà cựu Tổng thống Trump đang ra sức gây dựng có thể là một lời cảnh tỉnh với Musk. Do đó, việc sở hữu một mạng xã hội có sẵn như Twitter có lẽ khả thi hơn cả.
Với tổng tài sản tính đến hôm nay là 274 tỷ USD, thì việc bỏ ra 41 tỷ USD "chỉ là muỗi" để giúp Elon Musk thỏa mãn lý tưởng và sự đam mê của mình. Khi đưa ra lời đề nghị hết sức hấp dẫn này, Musk cũng đề phòng khả năng những người nắm giữ cổ phiếu lớn sẽ không bán cho Musk vì sợ Musk sẽ "lũng đoạn" thông tin, và đi xa hơn là đi ngược lại "lý tưởng" hay "giá trị" của họ.
Do đó, Musk cũng đưa ra lời cảnh báo rằng đây là giá tốt nhất và giá cuối cùng mà Musk trả để sở hữu Twitter.
Ngay lập tức giá cổ phiếu của Twitter cũng lên theo tuyên bố của Musk. Musk cho biết, nếu không mua được Twitter thì sẽ xem lại khoản đầu tư của mình, hàm ý sẽ rời bỏ đầu tư vào MXH này, và hệ quả có thể thấy trước là giá trị cổ phiếu của Twitter sẽ xuống dốc không phanh. Và cũng không loại trừ, điều này có thể đưa đến sự "chết yểu" của mạng xã hội Twitter, vốn được Musk xem là quá già nua và cần phải đưa vào tay những ông chủ mới như Musk để "thổi hồn", làm cho mạng xã hội này sinh động trở lại.
Hệ quả của việc Twitter vào tay Musk là gì?
Một là, chắc chắn khi vào tay Musk, Twitter sẽ có nhiều cải tiến và hấp dẫn hơn. Một trong những cải tiến mà Musk đề nghị là không bán quảng cáo và yêu cầu người dùng phải đóng tiền sử dụng hàng năm. Như vậy Twitter không chỉ là nơi để Musk thỏa mãn thú vui, mà còn là khoản đầu tư, công cụ kiếm tiền và gây ảnh hưởng.
Hai là, nhiều khả năng Musk sẽ bãi bỏ sự kiểm duyệt và không để những người có tư tưởng tự do hay cực tả "mặc sức lũng đoạn" mạng xã hội này. Chỉ riêng việc này thôi cũng đã tạo sự hấp dẫn cho Twitter và lôi kéo thêm hàng trăm triệu người ở Mỹ và thế giới mở lại tài khoản và quan tâm trở lại với Twitter.
Ba là, "hiệu ứng Twitter" sẽ ngay lập tức có tác dụng lan tỏa tới Facebook, các mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng khác như CNN, Washington Post, New York Times... vốn lâu nay cùng đứng chung "một chiến hào" với những người dân chủ và phe cực tả ở Mỹ và phương Tây trong việc truyền tải thông tin một chiều.
Bốn là, nhiều khả năng, ngay sau khi "thâu tóm" Twitter, Elon Musk sẽ cho khôi phục lại tài khoản Twitter với khoảng 85 triệu người theo dõi trước khi "bị khóa" của cựu Tổng thống Donald Trump và nhiều tiếng nói bảo thủ trong chính trường Mỹ. Musk cho rằng, việc có các tiếng nói khác nhau trong xã hội cũng như trên mạng xã hội là chuyện "bình thường". Nhưng điều bất thường là phe cánh tả thì được "mặc sức tung hoành", trong khi các tiếng nói "bảo thủ" hoặc không đồng quan điểm với phe cánh tả thì bị "khóa", treo tài khoản, hoặc bị hạn chế tương tác.
Nếu như cựu Tổng thống Trump được mở lại tài khoản trên Twitter (mà khả năng Facebook cũng sẽ buộc phải làm tương tự) thì với số lượng người theo dõi, ủng hộ cực lớn, ông Trump sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ tháng 11/2022 theo hướng có lợi cho Đảng Cộng hòa và những người Cộng hòa được ông Trump ủng hộ. Và điều này cũng sẽ tạo lợi thế rất lớn cho ông Trump trong trường hợp cựu Tổng thống Mỹ quyết định ra tranh cử Tổng thống lại một lần nữa vào năm 2024.
Chuyện bề ngoài mua Twitter dường như chỉ một "phi vụ" kinh doanh bình thường của Elon Musk, nhưng thực tế các tính toán và tác động của sự kiện này thì lớn hơn rất nhiều và không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của nước Mỹ, mà còn đến cục diện thế giới.