Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước lên tới hơn 60 nghìn tỷ đồng, và điều này giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, kết tuần ở mức 0,65% (giảm 4 điểm cơ bản) cho kỳ hạn qua đêm và 0,75% (giảm 3 điểm cơ bản) cho kỳ hạn 1 tuần.
Theo số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm.
Cụ thể, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư. Theo đó, tăng trưởng huy động khu vực này chỉ trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020 khi môi trường lãi suất tiền gửi ở mức thấp trong lịch sử.
Trong giai đoạn 2 tháng cuối năm 2021, SSI cho rằng tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ. "Một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng", chuyên gia của SSI nhận định.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì."Cơ quan quản lý tiền tệ sẽ sớm nới hạn mức tín dụng với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt", nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.
Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại. Trong đó, lãi suất huy động sẽ dao động trong khoảng 3 - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Còn lãi suất cho vay sẽ dao động từ 5 đến 7%/năm với khoản vay ngắn hạn và 9 - 11%/năm với khoản vay trên 12 tháng.