Huawei thiệt hại nặng khi bị “tẩy chay”
Từ lâu chính phủ Mỹ đã có những động thái cứng rắn với Huawei cùng cáo buộc gián điệp từ các thiết bị di động và viễn thông của hãng công nghệ này. Chính phủ Mỹ cũng vận động các đồng minh của mình tại châu Âu “quay lưng” với các thiết bị của Huawei.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị do các hãng bị coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia sản xuất, trong đó nhắm mục tiêu tới Huawei. Sắc lệnh khẩn cấp đã trao quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ gây rủi ro cho các công nghệ và dịch vụ viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Mặc dù là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hiện Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện tại Mỹ, do vậy động thái mới của Bộ Thương mại Mỹ sẽ khiến Huawei gặp rất nhiều khó khăn.
Sau quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, cổ phiếu của nhiều chi nhánh và các công ty đối tác với Huawei đã bị sụt giảm mạnh, như Tatfook Technology, cung cấp linh kiện cho Huawei, Ericsson và Bosch đã bị giảm 2,84% giá trị hay New Sea Union Telecom, chuyên cung cấp các linh kiện viễn thông cho Huawei và các hãng viễn thông lớn tại Trung Quốc, cũng bị sụt giảm giá trị 4,88%.
Trước động thái của Tổng thống Donald Trump và Bộ Thương mại Mỹ, Huawei cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ Mỹ để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh trên sản phẩm.
Giá linh kiện của Apple bị đẩy lên cao
Thứ 6 tuần trước, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với hàng tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, đánh dấu sự leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại căng thẳng và kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ ít ngày sau, Trung Quốc đã có động thái trả đũa khi áp dụng thuế nhập khẩu lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc, bao gồm hóa chất và các sản phẩm đông lạnh.
Hiện tại, mức thuế nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc đang tránh đụng chạm đến các thiết bị công nghệ như máy tính hay smartphone vốn được lắp ráp và sản xuất tại Trung Quốc, điều này giúp các công ty phần cứng tại Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến thương mại” giữa hai cường quốc.
Vào tháng 9 năm ngoái, Apple đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ tại Trung Quốc để mô tả chính xác mức độ ảnh hưởng của thuế nhập khẩu đang được Mỹ đề xuất thông qua và khẩn khoản thay đổi trước khi mức thuế được thực thi. Cuối cùng, một số sản phẩm của Apple đã tránh bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế này từ phía Mỹ, bao gồm iPhone, iPad, AirPods, Apple Watch.... tuy nhiên, một số phụ kiện của Apple như cục nguồn, dây sạc, cáp sạc, vỏ bảo vệ iPhone và iPad,… vẫn nằm trong danh sách bị đánh thuế.
Kể từ tháng 9 năm ngoái, các phụ kiện kể trên của Apple đã bị tăng thuế thêm 10% tại thị trường Mỹ và bắt đầu từ thứ 6 tuần trước (10/5), mức thuế các phụ kiện này của Apple sẽ bị tăng lên 25%. Từ thời điểm bị chính phủ Mỹ áp dụng mức tăng thuế nhập khẩu cho đến nay, Apple vẫn giữ nguyên mức giá bán các phụ kiện của mình, hãng chấp nhận cắt giảm lợi nhuận từ các khoản kinh doanh phụ kiện này, hoặc Apple đã đạt được thỏa thuận với các đối tác sản xuất tại Trung Quốc cắt giảm kinh phí sản xuất để có thể đảm bảo giá bán tại thị trường Mỹ.