Giữa những hứa hẹn kéo dài suốt nửa thập kỷ về một tương lai "phi-cookie", Google một lần nữa trì hoãn lời cam kết loại bỏ trình theo dõi web phổ biến nhất hành tinh. Thông báo mới đây từ Phó chủ tịch sản phẩm Anthony Chavez về việc duy trì cookie bên thứ ba trên Chrome cho thấy rõ một điều: trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát dữ liệu người dùng, ngành quảng cáo vẫn là bên thắng thế.
Từ năm 2019, Google bắt đầu trình diễn sáng kiến Privacy Sandbox như một chiến lược hòa giải: vừa bảo vệ quyền riêng tư người dùng, vừa duy trì dòng máu tài chính của Internet – quảng cáo nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, thông điệp mới nhất từ Chavez lại là một bước lùi đầy ẩn ý: không chỉ giữ cookie bên thứ ba, Google còn từ chối triển khai lời nhắc yêu cầu người dùng cho phép – một cơ chế minh bạch đang trở thành chuẩn mực trên toàn cầu.
Trong bối cảnh Chrome bị gắn mác là trình duyệt ít thân thiện nhất với quyền riêng tư, động thái này như một cái tát vào mặt những người dùng đang ngày càng ý thức hơn về dữ liệu cá nhân. Quyền riêng tư, một lần nữa, bị đặt lên bàn cân với lợi ích của ngành quảng cáo – và Google không giấu giếm việc lựa chọn bên nào.
Không dừng lại ở cookie, tháng 2 năm nay, Google tiếp tục hồi sinh công nghệ Digital Fingerprinting – dấu vân tay kỹ thuật số – vốn từng bị chỉ trích là mối đe dọa ngầm lớn hơn nhiều lần so với cookie. Kỹ thuật này không cần lưu dữ liệu trên trình duyệt, mà tổng hợp hàng loạt "tín hiệu" từ thiết bị, hành vi, sở thích để xác định người dùng – gần như không thể xóa bỏ. Dù xóa lịch sử, đổi trình duyệt hay bật chế độ ẩn danh, danh tính của người dùng vẫn dễ dàng bị truy ngược.
Trong khi đó, Google viện dẫn sự "đa dạng quan điểm" trong hệ sinh thái công nghệ - quảng cáo - quản lý - người tiêu dùng như lý do cho sự trì hoãn. Nhưng theo giới quan sát, sự "đa dạng" ấy chỉ phản ánh một thực tế: ngành quảng cáo kỹ thuật số – nơi Google là đế vương – chưa sẵn sàng từ bỏ khả năng theo dõi người dùng đến từng cú click.
Động thái mới cũng đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của các tập đoàn công nghệ trong việc tự điều tiết. Khi quyền riêng tư ngày càng trở thành vấn đề xã hội, liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục “tự kiểm soát” việc họ thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân?
Tháng này, Google đang đối mặt với phiên tòa chống độc quyền có thể dẫn đến việc chia tách tập đoàn. Trong lúc nguy cơ bị phân mảnh đang hiện hữu, việc giữ lại cookie và dấu vân tay kỹ thuật số có thể là nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì quyền lực tối thượng trên thị trường quảng cáo số - một thị trường mà dữ liệu người dùng là nhiên liệu không thể thay thế.
Google chưa bình luận gì thêm. Nhưng với hơn ba tỷ người dùng Chrome trên toàn cầu, câu hỏi giờ đây không còn là "liệu bạn có đang bị theo dõi?" – mà là "bạn có thể thoát khỏi sự theo dõi ấy bằng cách nào?"