Theo báo cáo từ VCCI, đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về Hiệp định CPTPP, trong khi các doanh nghiệp FDI lại nắm bắt được nhiều cơ hội. Báo cáo cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp cản trở về thủ hành chính khi tham gia - con số này tuy đã giảm nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
“Có tới 88 bản kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP được tuyên truyền, phổ biến khắp nơi từ các cơ quan Trung ương đến địa phương. Nhưng kết quả của việc tháo gỡ rào cản hành chính là rất thấp”, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phát biểu.
Theo báo cáo mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện Hiệp hội Da giầy Việt Nam phát biểu: “Hiệp định CPTPP là cơ hội lớn đối với chúng tôi. 90% sản phẩm da giầy sản xuất trong nước có mục tiêu xuất khẩu. Nhưng chúng tôi vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc bởi ngành công nghiệp hỗ trợ da giầy nội địa chưa phát triển”.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp phát biểu: “Chúng ta nói nhiều đến xuất khẩu nhưng lại xuất nhiều hàng hóa sang Mỹ và Trung Quốc hơn vào các nước thành viên CPTPP. Trong đó đặc biệt lưu ý nhập khẩu còn phụ thuộc vào Trung Quốc rất nặng nề”.
Trong điều tiết kinh tế vĩ mô, việc nhập siêu quá nhiều sẽ cho thấy sự phụ thuộc và thiếu tự chủ kinh tế của quốc gia. “Một nguồn nhập khẩu tốt sẽ làm tăng nội lực cho doanh nghiệp trong nước, không đơn thuần chỉ là nguyên liệu xuất khẩu”, bà Chi Lan nói.
Những con số màu mỡ về xuất khẩu tăng được công bố trong các báo cáo hàng năm chưa thực sự phản ánh ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp nội địa. Theo bà Phạm Chi Lan, có tới 72% hàng hóa xuất khẩu năm 2020 do các doanh nghiệp FDI thực hiện. Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân dường như đứng ngoài cuộc chơi.
Theo bà Phạm Chi Lan, việc tăng cường nội lực của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới để hội nhập vào kinh tế thế giới. Thêm vào đó, nó giúp chúng ta loại bỏ được nguy cơ lợi dụng xuất xứ Việt Nam của nước khác. Từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Việt Nam bỗng trở thành địa điểm “hot” về đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Việc đến Việt Nam để sản xuất, rồi xuất khẩu tại chỗ tại Việt Nam sẽ mang đến nguy cơ Mỹ “soi” Việt Nam về xuất xứ hàng hóa, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế bởi họ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.