Theo báo cáo từ VCCI, năm 2020, đã có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh.
Thực tế cho thấy, chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khúc mắc trong công tác ban hành Luật và chưa đảm bảo tính tiên phong trong phát triển kinh tế số.
Tình trạng mỗi Bộ quản lý viết luật theo một cách riêng là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo.
“Vấn đề sự chồng chéo và mâu thuẫn của các văn bản luật là rất lớn, tuân thủ luật này thì lại không tuân thủ luật kia. Luật ban hành không phải để quản lý mà để xử lý, giải quyết các vấn đề của nền kinh tế”, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam phát biểu. “Không phải ngồi ở vị trí này thì viết luật quản lý thế này, ngồi ở vị trí kia thì viết luật quản lý thế kia. Cần phải đổi tư duy và cách nhận biết vấn đề. Nếu không, sự mâu thuẫn và chồng chéo sẽ còn tiếp diễn mãi”.
Để loại bỏ sự chồng chéo trong Luật cần thành lập một cơ quan soạn thảo chung cho tất cả.
“Việc ban hành chính sách và soạn thảo ra các văn bản luật cần tiếng nói chung. Mỗi Bộ có thể ban hành chính sách riêng nhưng cần có một cơ quan soạn thảo chung để soạn thảo luật cho tất cả. Ở đó, người ta sẽ dễ dàng kiểm tra xem chính sách này đã ban hành chưa? và có chồng chéo hay mâu thuẫn với chính sách khác không?”. Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng nói.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc giám sát các văn bản luật thuộc trách nhiệm của các Ủy ban của Quốc hội. Nhưng doanh nghiệp nếu có chịu ‘rào cản’ do luật gây ra thì cũng rất khó ‘kêu ai’ bởi rất ít được tiếp xúc với các Ủy ban này. Và tất nhiên, việc VCCI phải làm công việc rà soát và khuyến nghị các văn bản luật thay cho các Ủy Ban trong những năm gần đây là minh chứng rõ ràng nhất.
Trong sự phát triển như vũ bão của kinh tế số, các văn bản luật nếu chậm thay đổi tất sẽ trở thành rào cản.
Những vấn đề mâu thuẫn trong đất đai đầu tư xây dựng tồn tại khoảng từ 4 đến 5 năm nay đã được ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế trung ương chỉ rõ: “Đến năm 2020 chúng ta mới đề xuất sửa luật thì quãng thời gian 4 năm đó doanh nghiệp mắc kẹt không thể triển khai được dự án”.
“Vấn đề chính mà tôi muốn nói cũng là câu hỏi “Làm thế nào để cải cách thể chế trở nên bền vững, nhanh và hiệu quả hơn?”. Doanh nghiệp ngoài việc phải chịu các loại phí thuế theo văn bản quy định còn phải chịu thêm những tác động rất lớn là những rủi ro về thời gian - những chi phí cơ hội. Điều này có thể khiến doanh nghiệp bị đào thải”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.
Cần thành lập một cơ quan có thẩm quyền, làm đầu mối chính, phụ trách thể chế ban hành luật.
Việt Nam chưa có một cơ quan đúng nghĩa làm đầu mối có thể kiểm soát được nội dung chất lượng của các quy định mới. Giả sử như quy định giấp phép và các điều kiện kinh doanh có những điều được bãi bỏ thì ngay sau đó những điều kiện tương tự lại ‘mọc ra’!
Những hoạt động chỉ mang tính ‘rà soát và khuyến nghị’ giống như VCCI đang làm đòi hỏi rất nhiều công sức, nỗ lực cả năm của nhiều chuyên gia luật hàng đầu Việt Nam nhưng đem lại rất ít hiệu quả. Bởi nhẽ, VCCI không được trao thẩm quyền gì!
Ông Phan Đức Hiếu nhận định: “Tôi tin rằng việc này khó đảm bảo hiệu quả. Nếu như chúng ta kiến nghị lên Bộ, Bộ trình lên Thủ tướng rồi Thủ tướng lại giao trả về Bộ, để tự rà soát và tiếp thu kiến nghị thì khó đảm bảo hiệu quả!”.
Nguyên nhân vì sao lại như vậy thật dễ hiểu nhưng khó nói!
...Và có một người dám nói là Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã can đảm nói ra điều khó ấy ở cuộc họp “Tư nhân hóa dịch vụ công” gần đây: “Chúng ta phải nói với nhau một điều rằng, bởi nhẽ, việc này liên quan đến thu - chi nên các bộ, ngành muốn giữ lại để có nguồn thu cho cơ quan họ”.
VCCI - nhân vật lao tâm khổ tứ - trong “cuốn tiểu thuyết” thể chế ban hành luật Việt Nam.
VCCI đã thực hiện nghiên cứu rà soát, khuyến nghị nhiều văn bản luật của Việt Nam nhằm chống lại sự chồng chéo mâu thuẫn nhưng nếu không có sự thay đổi từ gốc rễ của thể chế thì việc này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại trong cái vòng luẩn quẩn dù có nói thêm nhiều lần nữa.
Chẳng cần lấy ví dụ đâu xa, ngay sự kiện ngày 12/1/2021 VCCI tổ chức ‘
dòng chảy Pháp Luật kinh doanh 2020’ thì sau đó 2 ngày là 14/1/2021 họ lại tổ chức Hội thảo “
Nghị định sửa đổi 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử” do Bộ Công Thương phụ trách. Và tất nhiên, nghị định này được viết ‘theo ý riêng của Bộ Công Thương’ nên không tránh khỏi nỗi lo ngại về những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã chỉ rõ vấn đề này tại Hội thảo hôm đó:
“Tuy nhiên điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo điểm 1, Điều 17 của Luật An toàn thông tin mạng hay khoản 3 Điều 38 của Bộ Luật Dân sự 2015”, Luật sư Hà nói. “Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử theo văn bản dự thảo nghị định dường như chưa có sự thông thoáng, nhiều giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp”.
Việt Nam cần nhìn ra thế giới để tham khảo các giải pháp hiệu quả
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế trung ương cho biết: Việt Nam không phải là nước duy nhất cải cách thể chế hiện nay, các nước phát triển trên thế giới vẫn liên tục làm điều đó. Ý tưởng chủ đạo trong việc cải cách được nêu lên bằng các thông điệp như:
- Úc: “Quy định ít nhưng hiệu quả”
- Canada: “Những quy định thông minh hơn”
- Nhật Bản: “tự do là nguyên tắc còn quy định chỉ là ngoại lệ”
- Anh: “Quy định ít hơn, tốt hơn, đơn giản hơn”
- Mỹ: “Luật pháp là để bảo vệ người dân chứ không phải chống lại họ”
Điều quan trọng nhất mà ông Phan Đức Hiếu muốn nhấn mạnh là “Cải cách thể chế của các nước luôn bắt đầu từ 'các cơ quan bên ngoài' chứ không phải ‘tự thân các Bộ’ như chúng ta đang làm hiện nay. Vì một người 'tự ban hành' thì rất khó có thể ‘tự xem xét lại mình’ đúng hay sai, nên luôn đòi hỏi một ‘cơ chế bổ sung cho cơ chế ban hành luật”, ông Phan Đức Hiếu cũng giới thiệu thêm về vai trò chức năng của cơ quan này:
Cơ quan này có những chức năng chính:
- Xác định trọng tâm những vấn đề cần cải cách trong thể chế hiện tại để nhanh chóng đổi mới cho phù hợp, lúc này không thể đợi kết quả của việc “rà soát toàn diện’ sẽ mất nhiều thời gian.
Việt Nam đang rất cần, thiếu một cơ quan như vậy. Canada có một ủy ban đặc biệt thuộc Hội đồng Bộ trưởng phụ trách các vấn để về thể chế. Hàn Quốc cũng có một ủy ban như vậy do Thủ tướng làm chủ tịch ủy ban và tổng thống chỉ định các thành viên tham gia. Ở Anh những cơ quan này có thẩm quyền rất mạnh, có thể ‘tạm đề xuất chính sách’ trước khi trình lên Bộ Tư pháp. Ở Hoa Kỳ cũng có đơn vị tương tự như vậy.
“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam chưa có một cơ quan đúng nghĩa là ‘có thẩm quyền’ để thực hiện chức năng về thể chế. Trong việc cải cách thể chế mới cần phải mạnh dạn để tạo ra cơ chế bổ sung – tạo ra một đơn vị mới đầy chức năng có ‘quyền đệ trình các dự thảo luật pháp’ thì mới thực hiện được cải cách một cách: Nhanh – Hiệu quả - Thường xuyên – Bền vững, chứ không thể để như thế này được”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia Luật khác nhau:
Ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng các Báo cáo của VCCI rất hữu ích và cần thiết.
Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư Pháp rất ủng hộ cách tiếp cận của VCCI, báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh hàng năm đã trở thành kênh thông tin hữu ích. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm phần tổ chức thực hiện pháp luật, vì đây mới chỉ dừng lại ở sự ‘đánh giá’ các văn bản quy phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang VP Luật sư NH Quang & Cộng sự : “Việc thay đổi chính sách lớn cần thay đổi quy trình làm luật. Nếu vẫn làm theo cách cũ thì lại gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp”.
Phát biểu kết thúc Hội Thảo, Chủ tọa, Tiến Sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương phát biểu: “nếu chúng ta làm luật chỉ nhằm mục đích quản lý và mỗi Bộ làm một kiểu thì không xử lý được vấn đề kinh tế số. Vì đó là những vấn đề toàn cầu cần giải quyết ngay lập tức. Chúng ta nói quá nhiều cụm từ ‘Kinh tế số là động lực”, đề cập đến cơ hội nhưng lại nói rất ít đến những thách thức, đặc biệt là ít đề cập đến cái gì đang cản trở sự phát triển kinh tế số".