Kỳ này có 5 gương mặt từng là đại biểu Quốc hội khoá XIV. So với kỳ trước, ứng viên là người quản lý doanh nghiệp có xu hướng"già hoá" khi chỉ có 8 người tuổi dưới 40 tuổi. Doanh nhân trẻ nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Abavina (Cần Thơ) 34 tuổi. Kỳ trước, ứng viên trẻ nhất chỉ 29 tuổi. Người lớn tuổi nhất trong danh sách này là ông Nguyễn Văn Thân 66 tuổi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
3 người tự ứng cử là ông Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, bà Khương Thị Mai – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam (Nam Định) và ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Bắc Kạn).
Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là người duy nhất ứng cử tại Hà Nội; còn lại các doanh nhân chủ yếu chọn TP HCM, Bắc Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Quảng Ninh, Khánh Hoà và Thái Bình.
Ứng viên đại diện cho khối doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước nắm quyền chi phối giảm còn 7 người, trong khi khoá trước có đến 12 người ứng cử và đã có 10 người trúng cử.
Ở khối doanh nghiệp tư nhân, có 3 ứng viên là lãnh đạo các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC) và ông Lê Xuân Quế – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.
Phần lớn chương trình hành động của các doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội đều cam kết là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy giải quyết nhiều góc cạnh kinh tế - xã hội.
Ông Lê Xuân Quế ưu tiên giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại An Giang – địa phương nơi ông ứng cử làm đại biểu Quốc hội.
Còn ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Agribank, đại diện khối doanh nghiệp Nhà nước, khẳng định nếu trúng cử, sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành, trọng tâm là các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư phát triển và đề xuất các sáng kiến triển khai chương trình an sinh xã hội, tập trung giúp đỡ người nghèo, cận nghèo...
Ông Lê Viết Hải – "thuyền trưởng" của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, một trong những doanh nhân trong khối tư nhân - cho biết sẽ thực thi 8 đầu việc chính nếu trúng cử. Bên cạnh tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, doanh nhân này muốn thúc đẩy công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp sáng kiến quy hoạch theo hướng hình thành các đô thị vệ tinh cho TP HCM và xây dựng cơ chế đặc biệt cho thành phố mới Thủ Đức.
Một trong những nội dung công việc khác biệt của ông Hải so với các doanh nhân khác là "thực thi sáng kiến hoà bình, thông qua việc đề nghị Liên Hiệp Quốc soạn thảo môn học Giáo dục công dân toàn cầu".
Đánh giá về sự tham gia của các doanh nhân vào đợt bầu cử đại biểu Quốc hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho là "cần thiết", nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Sự tham gia ngày càng nhiều của những gương mặt doanh nhân tại nghị trường, theo ông Thịnh nhận xét, cho thấy sự trưởng thành của doanh nhân Việt Nam và khẳng định vị trí, tác động tích cực tới xã hội. Mặt khác, doanh nhân tại nghị trường sẽ phản ánh những mong muốn sát sườn nhất của doanh nghiệp, người dân, cũng như tác động trong thay đổi, sửa đổi cơ chế, chính sách của Quốc hội sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế. Đây chính là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế, khẳng định vị thế của đất nước.
Một chuyên gia kinh tế có nhiều năm là đại biểu Quốc hội các khoá XIII, XIV nói thêm, một số đại biểu Quốc hội các kỳ trước là doanh nhân có vi phạm không được xác nhận tư cách đại biểu hoặc bị bãi nhiệm trong một, hai nhiệm kỳ qua khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nhân là đại biểu Quốc hội.
Do đó, vị này cho rằng các doanh nhân khi trở thành đại biểu Quốc hội phải biết phân vai. "Doanh nhân khi là đại biểu Quốc hội cần biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Bởi họ vừa là doanh nhân, nhưng cũng vừa là người đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, người dân tại cơ quan quyền lực cao nhất", ông nói.
Đồng tình, TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, những hành động của doanh nhân trên nghị trường phải phản ánh hơi thở của chính họ - doanh nhân, song cũng phải vì mục đích quốc gia, dân tộc mà họ đại diện. Ông kỳ vọng các doanh nhân ứng cứ đại biểu Quốc hội khoá XV khi trúng cử sẽ phát huy lợi thế, toàn tâm, toàn lực khi ở vai đại biểu của nhân dân. Tiếng nói của họ sẽ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cơ quan lập pháp.
"Trên hết họ phải vượt qua những lợi ích cá nhân, mà vì mục đích chung cộng đồng doanh nghiệp, vì sự phát triển người dân, giàu mạnh đất nước, ông Thịnh nhấn mạnh.
Cùng với việc hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các gương mặt đại diện cho khối doanh nghiệp chốn nghị trường góp phần gia tăng tiếng nói và sức đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp cho nền kinh tế quốc gia, đảm bảo một nền dân chủ rộng rãi khi các doanh nhân đảm nhiệm gánh vác những trọng trách cùng đất nước.