Sáng 31/3, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp với Viện kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế”.
Tham dự Hội thảo có sự tham gia đầy đủ đại diện của các Bộ ngành, chuyên gia kinh tế và đặc biệt là khối DNNN đến chia sẻ về các giải pháp thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản trị tài chính và đầu tư, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp.
“Con số 0,07% trong tổng số doanh nghiệp cả nước là rất nhỏ nhưng lại giữ một giá trị tài sản khổng lồ”, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh phát biểu: “Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho doanh nghiệp nhà nước, như vậy là chưa hiệu quả”.
Theo ông Võ Trí Thành, tiến trình cải cách DNNN gắn liền với quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sở hữu nhà nước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là lần thứ 3 thực hiện đề án. Giai đoạn đầu từ năm 1990 – 1991 đổi mới các tổng công ty, đoạn 2 xây dựng tập đoàn, giai đoạn 3 này chỉ dám thực hiện thí điểm, chưa dám làm tổng thể.
“Quá trình cải cách DNNN vô cùng chậm, phức tạp, gồ gề, khó khăn, đầy mâu thuẫn”, ông Võ Trí Thành nói: “Có thể ví dụ như việc xây dựng các tập đoàn, tổng công ty, trong thời gian qua. Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trong việc xử lý 12 đại án, tất cả các khía cạnh đều rất chậm trong nhiều năm gần đây”.
Quy trình bổ nhiệm nhân sự trong DNNN còn mất nhiều thời gian bởi các vị trí quan trọng phải gắn với Đảng.
“Các quy trình nhân sự trong DNNN rất chậm bởi các thủ tục lằng nhằng giống như tuyển công chức”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu: “Chủ tịch Hội đồng quản trị DNNN phải là Bí thư Đảng. Khi Cổ phần hóa, muốn đưa người từ doanh nghiệp vào thì không được vì đầu tiên phải xin chủ trương, sau đó phải rà soát quy hoạch đủ 5 bước, rồi lại phải lấy ý kiến của các cơ quan Đảng cùng cấp, rồi lại phải vào cấp Ủy trước, rồi lại phải chuyển sinh hoạt Đảng vào, rồi lại phải báo cáo với Đảng trên là bổ sung cấp Ủy, rồi lại...”
“Vị trí tổng giám đốc cần 5-6 tháng mới bổ nhiệm xong. Trong thời gian đó ai sẽ điều hành và chịu trách nhiệm?”, ông Hùng nói.
Cùng với cải cách hướng kinh tế thị trường, việc tái cấu trúc DNNN luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt quá trình hàng chục năm nay. Bên cạnh câu chuyện DNNN tự nâng cao hiệu quả, là sự tạo dựng lòng tin cho thị trường, cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. “Nhưng khó khăn trong cải cách vẫn là tư duy nhận thức”, ông Võ Trí Thành trả lời truyền thông: “Nói sâu xa đó là vấn đề đánh giá về vai trò DNNN. Nó liên quan đến vấn đề chính trị, con người. Vai trò của nhà nước rất quan trọng nhưng cách can thiệp như thế nào mới là điều cần bàn. Trong bối cảnh mới, người ta sẽ nhìn nhận lại vai trò của nhà nước”.
“Doanh nghiệp nhà nước trước hết phải là doanh nghiệp. Cách quản lý sao cho họ thực sự là doanh nghiệp”, ông Thành nói.