Những thách thức trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trước thềm năm mới 2020
Hoàng Sơn - Thứ Ba, 31/12/2019 2:08 CH
Vietnet24h - Hôm qua, thứ Hai ngày 30 tháng 12, báo Vietnamnet đã tổ chức một toạ đàm trực tuyến nhằm trao đổi với các chuyên gia và nhà sản xuất về những thách thức trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt nam trước thềm năm mới 2020.
Cùng với sự tham gia sản xuất tại thị trường nội địa của những hãng điện tử lớn nhất thế giới như Samsung, LG, Canon, Panasonic, Foxconn… Việt Nam đang nổi lên như là một cứ điểm của sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước liên kết sản xuất, cung cấp linh kiện, lắp ráp và tham gia từng công đoạn cho các tập đoàn đã có thương hiệu, qua đó xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử Việt Nam.
Đứng trước thời cơ và vận hội trước thềm năm mới 2020, báo điện tử Vietnamnet đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thách thức phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử- công nghệ cao" với sự tham gia của 3 vị khách mời: Bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP điện tử Hanel PT, Ông Mẫn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty An Trung Industries (Tập đoàn An Phát Holdings), Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA).
Tại buổi Toạ đàm, các chuyên gia ngành điện tử đã đánh giá năm 2019 là sự kết nối của một chuỗi 3 năm hoạt động đầy khởi sắc của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử, cùng với sự ra đời và lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty, tập đoàn lớn như Samsung, LG, Canon, Brother,... Số lượng doanh nghiệp ngành điện tử tham gia vào chuỗi cung ứng này mỗi năm một tăng hơn, một số doanh nghiệp được thành lập mới tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử như sản xuất linh phụ kiện điện tử, chi tiết nhựa, cao su, cơ khí,... cho các công ty đầu chuỗi ngay tại thị trường Việt Nam, đóng góp đáng kể vào giá trị gia tăng nội địa trong hàm lượng xuất khẩu của ngành điện tử cả nước thời gian vừa qua.
Đến từ một doanh nghiệp mới thành lập, ông Mẫn Trí Trung, Tổng Giám đốc Công ty An Trung Industries chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp, giá trị các linh kiện điện tử chiếm tới 80% giá trị của sản phẩm điện tử. Doanh nghiệp tuy mới thành lập và mới chỉ đầu tư vào lĩnh vực nhựa chuyên dụng cung cấp cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, nhưng ông Trung cũng đánh giá cao sự có mặt của các doanh nghiệp đầu chuỗi đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước và ông hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao, góp phần làm sôi động chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nôi địa.
Khác hẳn với doanh nghiệp vừa thành lập, đến từ một doanh nghiệp có bề dày gần 20 năm trong sản xuất linh kiện cho ngành điện tử, bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hanel PT chia sẻ, Hanel PT tham gia vào thị điện tử công nghệ cao từ những ngày đầu thành lập, công cung cấp những vật liệu mới như sensor, burzer của bộ phận cảm ứng điện tử cho các chủng loại ô tô, xe máy. Trước khi tiến hành đầu tư, Hanel PT đã có những nghiên cứu thị trường hết sức nghiêm túc và bài bản, những đánh giá thị trường đó, đến nay được chứng minh là đúng đắn để đảm bảo cho công ty đi tiếp con đường đã chọn. Công ty đã nhắm và đón đúng điểm đầu tư và sản xuất. Cơ hội hiện nay cho doanh nghiệp rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất từ các thị trường bên ngoài vào Việt Nam. Bản thân công ty cũng đang rất trăn trở để làm sao nắm bắt được từ thời cơ và vận hội mới này.
Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, bà Trang bày tỏ điểm mạnh nhất của công ty là chỉ nhận làm nhà cung cấp lớp 1 với tính hệ thống cao với hàng ngàn quy trình, đảm bảo sự thoả mãn của khách hàng. Ước mơ cháy bỏng của đội ngũ Hanel PT là được đóng góp công sức nhỏ bé vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì thế, sản phẩm công ty lựa chọn luôn là sản phẩm dẫn đầu, có hàm lượng chất xám cao kể cả ngay trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ AI. Tính hệ thống là một trong những ưu thế của công ty khi đàm phán với khách hàng và gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu. Bà Trang lo lắng về những rủi ro khi đầu tư lớn vào ngành công nghiệp hỗ trợ khi đã có thị trường, có khách hàng, song e ngai về tính ổn định của các chính sách của Chính phủ khi thu hút và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao.
Ông Mẫn Chí Trung chia sẻ từ góc độ của một doanh nghiệp mới thành lập, An Trung Industries tuy ít kinh nghiệm nhưng lại có lợi thế của người đi tắt, đón đầu, tập trung nguồn vốn và phát triển thị trường ở đúng lĩnh vực đang cần. Công ty ngay lập tức đầu tư vào dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng thời công ty tận dụng được nguồn lực của công ty mẹ là Tập đoàn An Phát Holdings trong hệ thống quản trị và hệ thống R&D của công ty, nên chỉ trong vòng 1 năm thành lập, công ty đã tiếp cận được với những tập đoàn lớn FDI tại Việt Nam và trở thành nhà cung cấp của họ.
Đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên BCH, nhìn nhận về tầm vóc và sức đầu tư của doanh nghiệp ở giai đoạn này rất quan trọng, việc tìm đầu ra mà các doanh nghiệp vốn vẫn trăn trở thì giờ không còn là vấn đề lớn nữa. Nếu doanh nghiệp có đầu tư bài bản về công nghệ, có nghiên cứu thị trường nghiêm túc thì doanh nghiệp không lo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà nước về mặt cơ chế, về tính ổn định của hệ thống chính sách. Các doanh nghiệp đều cần có sự chuẩn bị về tài chính, về công nghệ và nguồn nhân lực và doanh nghiệp cần chính sách cơ chế của Nhà nước để có thể tiếp cận những nguồn tài chính khi đầu tư và mở rộng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiêp tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp cũng cần bàn tay của Nhà nước tham gia trong việc đào tạo nguồn nhân lực để đủ khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ tiến tiến.
Hiện nay, đã có nhiều quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Như Nghị định về Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, gọi tắt là Nghị định 111, ra đời vào tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực năm 2016; Quyết định của Chính phủ về Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá Việt Nam đến năm 2020; Quyết định về phát triển Công nghiệp Điện tử,... Đánh giá về tác động của các chính sách đối với ngành điện tử, các chuyên gia cho rằng các văn bản đó chưa thực sự đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cần có sự xem xét, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những lợi ích mà các quy định ngành này mang lại cho doanh nghiệp. Các văn bản không chỉ cần hay trên giấy tờ mà cần đi vào thực tế cuộc sống.