Apple có kế hoạch cùng với các nhà cung cấp tại Ấn Độ sản xuất trên 50 triệu chiếc iPhone mỗi năm trong vòng từ 2 đến 3 năm tới, chiếm khoảng 1/4 sản lượng iPhone hàng năm của tập đoàn công nghệ này trên toàn cầu. Sau khoảng thời gian này, sản lượng có thể tăng thêm hàng chục triệu máy nữa.
Một nhà máy của Foxconn hiện đang được xây dựng tại phía Nam Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2023, với mục tiêu sản xuất 20 triệu chiếc iPhone và các thiết bị khác mỗi năm trong vòng 2-3 năm tới. Foxconn cũng đang dự định xây dựng nhà máy thứ hai có quy mô tương đương tại Ấn Độ.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết Tập đoàn Tata Group của Ấn Độ sẽ xây dựng nhà máy lớn để sản xuất thiết bị cho Apple tại Ấn Độ. Tata dự kiến cần 50.000 nhân công cho 20 dây chuyền lắp ráp, khi nhà máy này đi vào hoạt động trong 12-18 tháng tới.
Việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ nằm trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple. Apple bắt đầu sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ năm 2017 và năm 2022, hãng thông báo sẽ sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, thay vì tại Trung Quốc.
Kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất iPhone tại Ấn Độ cho thấy tham vọng đầu tư của Apple vào thị trường tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á. Có thể thấy, gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ đã định vị Ấn Độ như một thị trường quan trọng, không chỉ dừng lại ở phân phối sản phẩm mà còn bao gồm cả việc sản xuất.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc tăng cường sản xuất tại Ấn Độ có thể xem là một bước đi khôn ngoan. Điều này giúp Apple giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời giảm nguy cơ bị ảnh hưởng từ những biến động chính trị và kinh tế giữa hai nước Mỹ - Trung.
Đối với Ấn Độ, nguồn vốn đầu tư từ Apple sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, tạo thêm việc làm và cơ hội phát triển ngành công nghệ trong nước. Về phía người tiêu dùng, việc mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ đảm bảo nguồn cung dồi dào và ổn định cho người mua, giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn cung như trước đây (khi chỉ có một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc).
Apple đang tăng dần sự phụ thuộc vào Ấn Độ trong vài năm trở lại đây bất chấp nhiều thách thức như hạ tầng chưa đầy đủ và các quy định lao động nghiêm khắc thường khiến việc kinh doanh khó hơn ở Trung Quốc. Ngay cả tại các bang thân thiện với kinh doanh, công đoàn thường không ủng hộ việc các công ty xin giấy phép làm việc 12 giờ/ngày. Đây vốn là giấy phép mà các đối tác của Apple coi là cực kỳ hữu ích nhất là trong các giai đoạn căng thẳng.
Dù vậy, Apple và đối tác cung ứng tin rằng đợt đẩy mạnh đầu tiên vào Ấn Độ về cơ bản đang mang lại các tác động tích cực và đang đặt các viên gạch nền móng cho các đợt mở rộng lớn hơn. Apple trong số các công ty lo lắng về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và đang dịch chuyển chuỗi cung ứng đi các nơi khác, thường là tới Đông Nam Á hoặc Nam Á.
Apple đã chọn Ấn Độ là nơi thực hiện giai đoạn sản xuất cho các mẫu iPhone tiêu chuẩn được bán vào năm 2025. Ở giai đoạn này, còn được biết đến với tên gọi NPI, đội ngũ của Apple sẽ làm việc với các đối tác cung ứng để chuyển thể các bản vẽ/bản dựng sản phẩm thành kế hoạch sản xuất chi tiết. Cho tới thời điểm này, NPI chỉ được thực hiện tại Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất của Apple tại Ấn Độ đã phát triển tốt khi đạt được các cột mốc quan trọng như sản xuất đồng thời các mẫu iPhone 15 mới nhất cùng lúc với Trung Quốc. Theo ước tính, đến năm 2025, doanh số bán iPhone toàn cầu từ Ấn Độ có thể tăng từ mức hiện tại là 3.6% lên hơn 5%, với mục tiêu cuối cùng là 25% sản lượng toàn cầu sẽ diễn ra tại đất nước này.