Những năm gần đây, có vẻ như nhiều khái niệm khoa học viễn tưởng trong quá khứ đang trở thành hiện thực. Các hệ thống kết nối giờ đang điều hành và quản lý những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta và các hệ thống sáng tạo giờ đã có thể tự động xử lý và “suy nghĩ” một cách độc lập.
Trong số những bước tiến lớn nhất gần đây có trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML). Mặc dù chúng hiện chỉ mới được chú ý trong một số lĩnh vực nhưng từ nhiều năm trước, đã có một số tổ chức với tư duy cấp tiến đầu tư vào đây - đặc biệt là ứng dụng của AI và ML trong an ninh mạng.
Với sự trợ giúp của các hệ thống và máy móc thông minh, dữ liệu thông minh hơn và năng lực bảo vệ tài sản có thể chính là những thứ chúng ta cần để chống lại làn sóng thủy triều gây ra bởi các tác nhân độc hại và tội phạm mạng hiện nay.
AI VÀ ML - ĐỊNH NGHĨA
Trước khi đi sâu vào việc ứng dụng AI và ML trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của chúng, từ quan điểm công nghệ.
Đối với nhiều người dùng, ít nhất thì AI cũng là một khái niệm cơ bản, được biết đến thông qua những sản phẩm như siêu máy tính Watson của IBM và robot Sophia của Hanson Robotics. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ ứng dụng của AI và các hệ thống AI thường không hoàn toàn mang hình dáng của con người.
Trang TechTarget định nghĩa AI là “sự mô phỏng quá trình tư duy của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính”, lưu ý là những quá trình này có thể bao gồm lý luận, tự sửa lỗi và học hỏi thông qua các hoạt động như thị giác máy (machine vision) và nhận dạng giọng nói (speech recognition).
Học máy là một khái niệm có liên quan nhưng cũng rất độc lập với trí tuệ nhân tạo. Nó có thể được định nghĩa là quá trình máy tính tự tìm hiểu thông tin mà không cần đến sự trợ giúp của con người. Theo Trend Micro, ML “sử dụng thuật toán để kiểm tra lượng lớn thông tin hoặc dữ liệu tập huấn để tìm ra những kiểu mẫu độc nhất vô nhị”, sau đó nó sẽ tiến hành phân tích, phân loại và dùng chúng để đưa ra các dự đoán.
AI & ML QUA CÁC CON SỐ
Các hệ thống này đang dần nắm giữ vị trí chủ đạo với hàng loạt sáng kiến mới được giới thiệu mỗi ngày. Điều đó được thể hiện rõ qua các số liệu thống kê được thu thập bởi Capterra dưới đây:
· Hơn 35% công việc tại Mỹ có thể được thay thế bằng AI và tự động hóa vào những năm 2030.
· Đến năm 2020, khoảng 85% lượng tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp sẽ do AI đảm nhiệm, không cần sự giám sát của con người.
· AI sẽ là thị trường trị giá hơn 5 tỷ USD vào năm 2020.
· Phần mềm AI và ML sẽ thu về 59,8 tỷ USD vào năm 2025.
· Thuật toán ML cho phép Netflix tiết kiệm 1 tỷ USD trong một năm và đem đến khả năng giao hàng trong ngày cho Amazon.
· Chương trình AI của Google, AutoML có thể tự sao chép không cần đến sự tương tác của con người vào năm 2017. Hãng Capterra chỉ ra: “Về bản chất, AI giỏi về ML hơn cả con người”.
Nói một cách đơn giản, AI và ML đang tạo ra những làn sóng mới ở mọi ngành công nghiệp và có thể mang đến những khả năng và chiến lược mới có lợi cho việc bảo mật dữ liệu và hệ thống.
AI & ML TRONG AN NINH MẠNG: CÓ KHẢ THI?
Vì AI và ML làm việc song song - AI thúc đẩy ML khiến nó thông minh hơn và tiến hóa hơn - nên các hệ thống này có những lợi thế nhất định trong việc nhận diện và chống lại các mối đe dọa bảo mật mới nhất.
Các công cụ bảo mật truyền thống hiện rất khó xác định những mối đe dọa mới. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến những hiểm họa như zero-day, khiến các hệ thống của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng đứng trước những mối nguy hiểm to lớn.
Và đấy lại là nơi lý tưởng để AI và ML tỏa sáng.
Bởi vì mã độc và những cuộc tấn công mạng luôn tiến hóa theo thời gian, chúng ta cũng cần có các giải pháp năng động hơn. Và những giải pháp an ninh mạng dựa trên ML dùng dữ liệu từ các cuộc tấn công mạng trước đó để ứng phó với những rủi ro tương tự. Bằng cách đó, một hệ thống AI được trợ lực bởi ML có thể tận dụng những điều nó biết và hiểu về các cuộc tấn công và những mối đe dọa trong quá khứ để xác định các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Do tin tặc thường xuyên “tân trang” mã độc cũ để dùng lại nên việc sử dụng các hệ thống AI và ML để tìm kiếm và cung cấp cảnh báo về các cuộc tấn công mới là cực kỳ có lợi trong việc ngăn chặn làn sóng đến từ lỗ hổng zero-day.
Điều này có nghĩa là những mối nguy hiểm mới có thể được xác định nhanh hơn và các bản cập nhật cùng bản vá lỗ hổng sẽ được phát hành hợp lý hơn, qua đó giảm thiểu số lượng các hệ thống nạn nhân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nó cũng có thể tiết kiệm đáng kể thời gian của các chuyên gia an ninh mạng. Nếu không có sự hỗ trợ của AI và ML, họ sẽ phải tự mình xác định các mối nguy cơ này hoặc tệ hơn là đợi đến khi có một hệ thống quan trọng bị tấn công mới nhận ra.
AI chủ yếu được sử dụng để phát hiện các mối đe dọa và những vụ tấn công đơn giản. Do các cuộc tấn công đơn giản nhất thường chỉ cần những giải pháp đơn giản nhất, nên các hệ thống cũng có khả năng tự khắc phục tình hình.
Nói cách khác, những người đứng đầu bộ phận an ninh mạng sẽ không cần chạy đông chạy tây chỉ để cứu lửa nhỏ. Những cỗ máy AI và ML tiên tiến có thể thay họ làm điều này. Như vậy, những nhân vật quan trọng của công ty có thể dùng thời gian quý báu để tập trung vào những phần việc phức tạp hơn như bảo vệ dữ liệu hoặc đề xuất ra các sáng kiến CNTT quan trọng.
Lời kết: AI và ML có những lợi thế đáng chú ý trong bảo mật và bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm cũng như các hệ thống quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đừng quên là chúng cũng có thể trở thành công cụ đáng sợ trong tay tội phạm mạng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải luôn nhận thức được mối đe dọa mà AI và ML có thể gây ra khi được sử dụng vào các cuộc tấn công và xâm phạm hệ thống.