Các nhà khoa học từ Viện Địa hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) cùng nhiều tổ chức khác như Viện hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, Đại học Khoa học Trái Đất Trung Quốc, Đại học Sơn Đông, lập bản đồ địa hình Mặt Trăng với độ phân giải cao dựa trên dữ liệu từ dự án thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga cũng như các dữ liệu và kết quả nghiên cứu khác từ nhiều tổ chức quốc tế. Bản đồ mới được công bố trên tạp chí Science Bulletin hôm 30/5.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc giới thiệu đây là bản đồ Mặt Trăng chi tiết nhất từ trước đến nay với tỷ lệ 1:2.500.000, vượt qua bản đồ bề mặt Mặt Trăng do Trung tâm Khoa học Địa chất học vũ trụ thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố năm 2020. Bản đồ này có tỷ lệ 1:5.000.000, được lập bởi Trung tâm Khoa học Địa chất học vũ trụ hợp tác với NASA và Viện Hành tinh và Mặt Trăng.
Bản đồ mà Trung Quốc công bố bao gồm: 12.341 hố va chạm, 81 bồn địa, 17 loại đá và 14 loại cấu trúc, cung cấp thông tin phong phú về địa chất và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Nó được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào công tác nghiên cứu khoa học, thám hiểm và lựa chọn địa điểm hạ cánh trên Mặt Trăng.
Trong những năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh các kế hoạch chinh phục Mặt Trăng, để vượt lên trong cuộc đua không gian với Mỹ. Trung Quốc đã đưa một số tàu thăm dò lên Mặt Trăng và đạt được nhiều thành công nhất định trong các nhiệm vụ khám phá hành tinh này.
Tháng 1/2019, tàu Hằng Nga 4 hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng, trở thành phương tiện đầu tiên đáp xuống khu vực không thể nhìn thấy từ Trái Đất này. Tháng 12/2020, tàu Hằng Nga 5 trở về Trái Đất, mang theo mẫu đất đá quý giá mà nó lấy được từ bề mặt Mặt Trăng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng để lại dấu ấn trên Mặt Trăng. Theo đó, vào tháng 5/2021, có ít nhất 8 cấu trúc trên Mặt Trăng, gần vị trí của tàu Hằng Nga 5 hạ cánh đã được đặt tên theo các nhà khoa học và địa danh của Trung Quốc.