Các lệnh ngăn chặn của Ấn Độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Theo Nikkei, các công ty như Alibaba, Bytedance và Tencent đều coi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.
Trung Quốc hôm 25-11 đã yêu cầu Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Ấn Độ vi phạm các quy tắc thương mại tự do toàn cầu và phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.
“Các biện pháp vi phạm nguyên tắc thị trường và hướng dẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc” - ông Triệu nhấn mạnh.
“Phía Ấn Độ nên ngay lập tức chấn chỉnh hành vi phân biệt đối xử này, tránh gây thiệt hại lớn hơn cho quan hệ hợp tác hai bên” - ông Triệu nói thêm.
Trước đó, New Delhi đã gỡ bỏ 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có nền tảng chia sẻ video rất phổ biến TikTok - khỏi thị trường nội địa khổng lồ, vài tuần sau cuộc đụng độ ở khu vực Ladakh hồi tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Từ giữa năm 2020, tâm lý tẩy chay sản phẩm Trung Quốc lan rộng tại đây. Không chỉ với các ứng dụng, nhiều sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại, TV của thương hiệu Trung Quốc cũng bị tẩy chay. Xiaomi, một trong những thương hiệu Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ, phải "xóa vết" bằng cách dán chữ "Made in India" lên các hộp smartphone của mình.
Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết 43 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm một số ứng dụng hẹn hò, đe dọa “tính toàn vẹn và chủ quyền quốc gia”.
Các bổ sung mới nâng tổng số ứng dụng Trung Quốc bị chặn ở Ấn Độ lên 267.